Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Chư Prông-cho biết: Hàng năm, huyện tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác PCTT-TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện và phân công các thành viên phối hợp với các địa phương trong công tác ứng phó với thiên tai; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) cho các thành viên tham gia trực tiếp công tác PCTT-TKCN.
Khi thiên tai diễn biến phức tạp, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn công tác ứng phó. Ảnh: N.H |
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác ứng phó với thiên tai. Đồng thời, tổ chức lực lượng trực ban 24/24 giờ trong thời gian xảy ra thiên tai để cập nhật, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác ứng phó. Khi tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng xung kích để hỗ trợ, di dời tài sản của người dân trong vùng thiên tai, hỗ trợ khắc phục sự cố.
Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho hay: Hàng năm, trước thời điểm mưa bão, xã chỉ đạo các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước thiên tai, không ngủ lại chòi rẫy khi mưa lớn, không trú ở những cây cao hoặc cánh đồng khi có giông lốc và chằng chống nhà cửa, hạn chế ra ngoài khi có mưa bão. Nhờ vậy, năm 2022, toàn xã chỉ có 22,2 ha cây trồng bị ảnh hưởng do bão, thiệt hại khoảng 335,5 triệu đồng.
Còn ông Hà Văn Tin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piơr thì thông tin: Khi có dự báo thiên tai sắp xảy ra, xã tổ chức họp với các thôn, làng để hướng dẫn người dân cách phòng tránh; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm; hỗ trợ phao cho các thôn, làng ở khu vực có nguy cơ cao bị ngập lụt. Đồng thời, chuẩn bị các phương án di dời và chủ động hỗ trợ người dân đến khu vực an toàn. Sau khi thiên tai xảy ra, xã tiến hành rà soát thiệt hại, hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa đối với các hộ bị tốc mái nhà; chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên hỗ trợ người dân ngày công sửa chữa nhà, dọn vệ sinh môi trường…
Trước mùa mưa bão, huyện Chư Prông vận động người dân cắt tỉa cây xanh trước nhà để đảm bảo an toàn. Ảnh: N.H |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, năm 2022, thiên tai đã làm tốc mái 47 căn nhà, 135,5 ha cây trồng các loại và 13,65 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; ước tổng thiệt hại gần 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, 2 người bị chết do sét đánh. Trên cơ sở quyết định phân bổ kinh phí của UBND tỉnh, năm 2022, UBND huyện đã hỗ trợ các hộ dân có diện tích bị thiệt hại do thiên tai với tổng kinh phí 215,8 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ cho các địa phương có diện tích bị thiệt hại do thiên tai năm 2021 là 186,5 triệu đồng, năm 2022 là 29,3 triệu đồng. Ngoài ra, huyện cũng xuất kinh phí 36 triệu đồng hỗ trợ gia đình 2 người bị sét đánh chết tại xã Ia Me.
“Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm 2023, tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp. Các địa phương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng như: Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Mơr, Ia Ga, Ia Púch… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện tập trung tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai; dựa vào cộng đồng phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của người dân; nâng cao năng lực xử lý tình huống, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó với thiên tai; quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Ngoài ra, huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác PCTT để giải quyết kịp thời các sự cố do thiên tai”-ông Luyến thông tin.