Xã hội

Đời sống

Krông Pa chủ động ứng phó thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã chủ động triển khai các giải pháp với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và “4 tại chỗ”.

Krông Pa là địa phương có khí hậu tương đối khắc nghiệt. Hàng năm, trên địa bàn huyện thường xảy ra hạn hán, ngập úng, sạt lở đất và giông lốc gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Theo thống kê của UBND huyện, năm 2022, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới và mưa giông lốc, sét đã gây thiệt hại về tài sản với tổng giá trị hơn 47,2 tỷ đồng. Còn năm 2021, nắng nóng kéo dài đã làm hơn 16.200 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 12.134 ha thiệt hại trên 70%, ước tính tổng giá trị thiệt hại hơn 120 tỷ đồng.

Tại xã Uar, giông lốc thường gây gãy đổ cây trồng, tốc mái nhà dân. Năm 2022, toàn xã có gần 30 ha điều bị gãy đổ do mưa bão, gió giật mạnh và có gần 100 ha mì bị ngập úng thối củ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Nguyên cho biết: Khí hậu những năm gần đây khá khắc nghiệt, mùa khô thì nắng nóng kéo dài, mùa mưa thường xảy ra gió lốc, sét đánh. Trong khi đó, nhà cửa của người dân trên địa bàn xã có kết cấu yếu nên chỉ cần những cơn gió giật mạnh là tốc mái. Vì vậy, trước mỗi mùa mưa bão, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, buôn hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà, chặt tỉa những cành cây gần nhà, gần lưới điện để đảm bảo an toàn.

“Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, UBND xã luôn thông tin kịp thời đến người dân về những dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để bà con chủ động phòng tránh”-Chủ tịch UBND xã Uar nói.

Chiều 22-4 vừa qua, trên địa bàn xã Ia Rmok xuất hiện mưa giông kèm theo gió giật mạnh đã làm tốc mái 3 nhà dân. Ông Rơ Ô Yun (buôn Blak) cho hay: “Gia đình đang xây nhà, vừa lợp xong mái tôn, chưa lắp được cửa thì cơn mưa giông kèm theo gió giật mạnh đã hất tung toàn bộ mái có diện tích 70 m2 xuống đất. Hiện chính quyền địa phương và người dân đã hỗ trợ gia đình lợp lại mái”.

Theo ông Kpă Sáu-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok: Đối với công tác phòng-chống hạn, trước khi bước vào vụ sản xuất, UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với ban nhân dân thôn, buôn rà soát, đánh giá cụ thể mực nước và năng lực tưới của từng công trình thủy lợi, các suối để giao chỉ tiêu sản xuất và lịch thời vụ cho từng khu vực. Những diện tích xa nguồn nước hoặc phụ thuộc vào nước trời thì khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng hoặc bỏ không sản xuất để hạn chế thiệt hại.

Ngoài ra, xã tập trung tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức tự chủ động phòng tránh thiên tai, nhất là khi mưa bão cần phải chèn chống nhà cửa phòng tránh gió lốc gây tốc mái. Đồng thời, xây dựng phương án sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Mưa bão năm 2022 gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Nam

Mưa bão năm 2022 gây ngập úng nhiều nơi ở huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành; điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động. Xây dựng lại kế hoạch phòng-chống thiên tai; rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” trong phòng-chống thiên tai; chủ động việc di dời, sắp xếp và ổn định đời sống người dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

“Năm 2023, UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho huyện 2 chiếc ca nô để trang bị cho đội xung kích làm công tác tuần tra và tổ chức phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí đào tạo tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng-chống thiên tai. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát các khu-điểm dân cư, những điểm xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để có phương án xử lý kịp thời; tổ chức di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm