Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Ia Boòng) là một trong những đơn vị điển hình của ngành GD-ĐT huyện trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xã hội hóa giáo dục. Cô Đỗ Thị Anh Chi-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, chúng tôi nhận được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương.
Từ năm 2018 đến nay, nhà trường được UBND huyện đầu tư xây dựng 1 dãy phòng học (8 phòng) và nhà chức năng (gồm thư viện, phòng đọc, phòng y tế, phòng truyền thống, phòng Đoàn-Đội và 3 phòng học bộ môn) với tổng kinh phí 9,8 tỷ đồng.
Trường Mẫu giáo Họa Mi được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào cuối năm 2023. Ảnh: N.H |
Riêng năm 2022, nhà trường được UBND xã hỗ trợ sơn, sửa các phòng học và dãy nhà hiệu bộ với kinh phí 450 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn chi khác và từ nguồn xã hội hóa, nhà trường tiến hành tu sửa các phòng học, bổ sung bàn ghế cho học sinh, đổ bê tông 1.400 m2 sân trường. Nhờ đó, cơ sở vật chất của trường ngày càng khang trang, sạch đẹp; các trang-thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Hàng năm, chất lượng dạy và học của trường được nâng lên.
“Với sự nỗ lực không ngừng, tháng 12-2022, Trường THCS Nguyễn Trãi đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT”-cô Chi chia sẻ.
Cũng với quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, những năm qua, Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Ia Pia) luôn nỗ lực trong xây dựng cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Cô Hoàng Thị Đượm-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trường được thành lập năm 2005. Những năm đầu, phòng học chưa đảm bảo nên học sinh phải học tạm tại nhà văn hóa của các thôn, làng.
Bên cạnh đó, trang-thiết bị còn nghèo nàn, thiếu thốn; đời sống kinh tế của phụ huynh còn thấp nên việc huy động đóng góp cải tạo cảnh quan môi trường gặp nhiều khó khăn. Nhờ huyện và xã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nhà trường đã quy hoạch bài bản các khu vui chơi, các phòng sinh hoạt, phòng đa chức năng với đầy đủ trang-thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhất là việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ.
“Chỉ riêng năm 2023, nhà trường được UBND huyện đầu tư xây dựng 1 dãy phòng học, phòng chức năng, hiệu bộ và bếp ăn với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ 250 triệu đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng đồ học tập...
Bên cạnh đó, nhà trường còn được UBND xã đầu tư kinh phí sửa chữa các điểm trường lẻ và xây dựng 140 m2 mái che, đổ 180 m2 sân bê tông với tổng kinh phí 520 triệu đồng.
Nhà trường cũng đã phát động tốt phong trào thi đua làm đồ dùng, đồ chơi; huy động cán bộ, giáo viên trồng cây xanh, tích cực phối hợp với phụ huynh dọn vệ sinh để tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, thân thiện theo phương châm “lấy trẻ làm trung tâm” nhằm tạo môi trường tốt cho các cháu trải nghiệm, khám phá. Đến ngày 29-12-2023, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1”-Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư khang trang đã giúp học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi học tập tốt hơn. Ảnh: N.H |
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-thông tin: Để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hàng năm, Phòng đều tham mưu UBND huyện đầu tư về cơ sở vật chất đảm bảo theo các quy định và tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ các trường xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường.
Cùng với đó, Phòng thường xuyên chỉ đạo các trường rà soát, tự đánh giá chất lượng. Nhờ vậy, quy mô mạng lưới trường học được quy hoạch hợp lý, ngày càng khang trang; đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 36/57 trường học đạt chuẩn quốc gia (gồm: 13 trường mẫu giáo, 11 trường tiểu học, 12 trường THCS).
“Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện phấn đấu có 44 trường học đạt chuẩn quốc gia. Do đó, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND huyện đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường học gắn với lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, trang-thiết bị nhằm đề xuất phương án xây dựng bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phối hợp huy động học sinh ra lớp cũng như tăng cường nguồn lực bổ sung cơ sở vật chất; tích cực phối hợp với các bậc phụ huynh trong xây dựng cảnh quan môi trường, cùng với nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học”-Trưởng phòng GD-ĐT huyện nhấn mạnh.