Thể thao

Thể thao cộng đồng

Chư Prông thúc đẩy phong trào thể dục thể thao quần chúng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng trên địa bàn huyện Chư Prông ngày càng phát triển sâu rộng, sôi nổi, tạo sân chơi bổ ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho người dân.
Đều đặn ngày 2 buổi, lúc 5 giờ và 17 giờ, ông Trịnh Xuân Báu (69 tuổi, tổ 3, thị trấn Chư Prông) lại xách vợt đến nhà thi đấu đa năng của huyện để luyện tập bóng bàn. Ông chia sẻ: “Tôi chơi bóng bàn đã hơn 40 năm, từ khi chưa nghỉ hưu. Hàng ngày, tôi dành khoảng 1 giờ mỗi buổi để luyện tập tại nhà thi đấu đa năng này. Luyện tập TDTT thường xuyên giúp tôi rèn luyện sức khỏe và có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người cùng sở thích”.
Không chỉ tham gia chơi thể thao mà anh Hoàng Ngọc Duyên (40 tuổi, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, thị trấn Chư Prông) còn góp phần lan tỏa niềm yêu thích đến với mọi người bằng cách phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện mở các lớp năng khiếu bóng bàn, tennis cho những ai có nhu cầu. “Tôi nhận thấy nhu cầu tập luyện TDTT của cán bộ, công chức nói riêng, người dân nói chung rất lớn. Vì vậy, trong dịp hè, tôi phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện mở các lớp năng khiếu. Hiện tôi phụ trách 6 nhóm, mỗi nhóm khoảng 3 người, độ tuổi từ 9 đến 50 tuổi. Hy vọng, phong trào TDTT huyện nhà sẽ có được một lớp kế thừa để duy trì và phát triển”-anh Duyên nói.
Phong trào TDTT quần chúng luôn được huyện Chư Prông chú trọng phát triển. Ảnh: Hà Duy
Phong trào TDTT quần chúng luôn được huyện Chư Prông chú trọng phát triển. Ảnh: Hà Duy
Để thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển, huyện Chư Prông chú trọng công tác tuyên truyền gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Ông Dương Văn Hoan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho biết: “Trung tâm hiện có 1 nhà thi đấu đa năng và 2 sân bóng chuyền thường xuyên có đông người dân tới luyện tập vào buổi sáng và chiều. Riêng nhà thi đấu phục vụ người dân tới tham gia chơi thể thao, trung bình khoảng 600 lượt người/tháng. Bên cạnh sự đầu tư của địa phương thì huyện cũng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất để phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu TDTT. Hiện toàn huyện có hơn 20 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, hơn 160 sân bóng chuyền, 7 sân cầu lông, 2 sân tennis, 2 bồ bơi… Nhờ đó đã đáp ứng được một phần nhu cầu tập luyện TDTT của người dân, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ”.
Cũng theo ông Hoan, toàn huyện có khoảng 20 câu lạc bộ tập luyện ở các bộ môn: cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, dưỡng sinh... Ngoài ra, là một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên lãnh đạo huyện rất chú trọng đến việc khôi phục và phát triển các môn TDTT truyền thống như: kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… Hàng năm, ngành Văn hóa và Thông tin huyện tích cực tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ về công tác TDTT; hướng dẫn và khuyến khích thành lập các câu lạc bộ TDTT cơ sở; đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của TDTT; phát động phong trào xây dựng gia đình thể thao.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tác dụng của TDTT; thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp huyện nhằm kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng mới; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển phong trào TDTT; phát triển TDTT quần chúng với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, thu hút quần chúng nhân dân tham gia”-ông Hoan cho biết thêm.
KHANG NGHI

 

Có thể bạn quan tâm