Điểm đến Gia Lai

Chư Pưh chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào đầu mùa mưa ở các địa phương trong tỉnh Gia Lai, ngành chức năng và chính quyền huyện Chư Pưh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) bùng phát vào cuối tháng 5 vừa qua trên địa bàn xã Đak Jơ Ta và Ayun (huyện Mang Yang) là một hồi chuông cảnh báo đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chư Pưh nói riêng.

Trước tình hình đó, UBND huyện Chư Pưh đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng ngăn chặn dịch từ các địa phương xâm nhập vào địa bàn.

Thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nếu không có biện pháp phòng ngừa. Ảnh: Quang Tấn

Thời điểm giao mùa, nguy cơ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nếu không có biện pháp phòng ngừa. Ảnh: Quang Tấn

Ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh trên đàn vật nuôi như: tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi… Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các hoạt động mua bán động vật, công tác giết mổ, vận chuyển động vật trên địa bàn.

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 1 năm 2024. Theo đó, huyện đã cấp 230 lít hóa chất để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng trên tổng diện tích khoảng 460 ngàn m2 môi trường chăn nuôi, khu vực chợ, nơi công cộng…

Ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh đối với đàn vật nuôi của gia đình cũng như bà con trong làng nên anh Siu Alơn (làng Kênh Săn, xã Ia Le) đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn của cán bộ chuyên bộ. Ngay sau khi được cấp hóa chất, anh Alơn đã tiến hành phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại của gia đình và môi trường chăn nuôi trên địa bàn.

Anh Alơn cho hay: “Mình có 10 con bò và 19 con dê-đây là tài sản lớn và đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Để phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, mình thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi cũng bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi… Tuy nhiên, mình cũng mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ vắc xin tiêm phòng dịch bệnh trên đàn trâu, bò như những năm trước để bảo vệ đàn bò của gia đình tốt hơn”.

Theo ông Nguyễn Cho-cán bộ Chăn nuôi thú y xã Ia Le, bên cạnh triển khai xong công tác phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, xã cũng tuyên truyền, vận động người dân chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng đã rà soát, đăng ký số lượng vật nuôi của các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn để hỗ trợ vắc xin tiêm phòng theo quy định và cũng đã lên kế hoạch tổ chức tiêm khi được phân bổ vắc xin.

“Chúng tôi cũng đề nghị cấp trên sớm phân bổ vắc xin để xã nhanh chóng triển khai tiêm kịp thời nhằm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong giai đoạn giao mùa hiện nay. Đó là chưa kể, xã Ia Le có địa bàn rộng, chia cắt, nhất là bắt đầu xuất hiện mưa nhiều càng làm cho công tác tiêm phòng của địa phương gặp nhiều khó khăn”-ông Cho thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Rơmah Chôch-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh-cho biết: Toàn huyện có 23.785 con bò, 44.300 con heo, 38.345 con dê, khoảng 97.490 con gia cầm… Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi của người dân, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi nhằm tạo miễn dịch, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ngành chuyên môn của huyện cũng đã triển khai phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Ảnh: Quang Tấn

Ngành chuyên môn của huyện cũng đã triển khai phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Ảnh: Quang Tấn

Đặc biệt, huyện đã xuất ngân sách gần 652 triệu đồng để mua các loại vắc xin triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ 9.000 liều vắc xin LMLM trên đàn trâu, bò; 10.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trên đàn heo; 4.500 liều vắc xin viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò… Đối tượng được hỗ trợ là đàn vật nuôi của các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn và dự kiến tổ chức tiêm trong tháng 6.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát sức khỏe đàn vật nuôi, khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện bệnh, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú ý để được hướng dẫn xử lý, tránh lây lan trên diện rộng.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật, quản lý chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm; kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý các trường hợp giết mổ vật nuôi bị bệnh, chết theo quy định. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua con giống không rõ nguồn gốc, chỉ mua ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo chất lượng con giống, có lịch tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…”.

Có thể bạn quan tâm