Điểm đến Gia Lai

Chư Pưh nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Chư Pưh đã vận dụng nhiều cách làm phù hợp để nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt NTM tại các địa phương.

Nông thôn khởi sắc

Ia Phang là xã đầu tiên của huyện Chư Pưh đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Từ đó, bộ mặt nông thôn nơi đây ngày càng khởi sắc, đường sá được bê tông hóa, nhựa hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát nhau. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,2% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của làng mình, chị Ksor H’Chin (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) phấn khởi cho biết: “Trước đây, làng chỉ toàn đường đất, đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì trơn trượt, mùa nắng thì bụi mù mịt. Đặc biệt, nông sản bà con làm ra vận chuyển về làng đã vất vả, lại còn bị thương lái ép giá. Bây giờ, các tuyến đường đã được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của gia đình mình cũng được nâng lên đáng kể, con cái có điều kiện đến trường học chữ”.

Làng Thơ Ga A đang đổi thay từng ngày nhờ triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Quang Tấn

Làng Thơ Ga A đang đổi thay từng ngày nhờ triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Quang Tấn

Diện mạo làng Thơ Ga A (xã Chư Don) cũng đổi thay nhanh chóng từ khi bắt tay vào xây dựng làng NTM. Với sự đồng lòng, chung sức của dân làng cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, 100% tuyến đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa, nhựa hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Dân làng cũng đã áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ông Siu Phak (làng Thơ Ga A) cho biết: “Trước đây, nhiều tuyến đường trong làng chưa được đầu tư nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Từ khi có chủ trương xây dựng làng NTM, thông qua các buổi tuyên truyền, họp làng, người dân hiểu và tích cực tham gia đóng góp ngày công, tiền mặt, hiến đất làm đường, thắp điện chiếu sáng… Nhờ thế, bộ mặt của làng thay đổi nhanh chóng, giao thông đi lại thuận tiện, đời sống kinh tế gia đình mình cũng như dân làng ngày một nâng lên”.

Củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM

Theo ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang, từ khi đạt chuẩn NTM đến nay, cấp ủy, chính quyền xã luôn ra sức duy trì, củng cố và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí NTM nâng cao. Đặc biệt, ngay sau khi huyện chọn Ia Phang làm điểm xây dựng NTM nâng cao và phấn đấu đạt vào năm 2024, xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong đó, xã xác định lấy tiêu chí sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm nền tảng để phát triển những tiêu chí khác.

Chủ tịch UBND xã Ia Phang cho hay: “Thời gian tới, xã đẩy mạnh phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị nông sản. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2024”.

Người dân xã Ia Phang góp tiền, hiến đất, ngày công cùng với Nhà nước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Ảnh: Hà Chi

Người dân xã Ia Phang góp tiền, hiến đất, ngày công cùng với Nhà nước hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn. Ảnh: Hà Chi

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-thông tin: Những năm qua, người dân trong huyện đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền mặt, tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông. Đến cuối năm 2022, huyện có 98% đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 89,26% đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa; 82,41% đường ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa; 80,85% đường trục nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện, 8/8 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Đồng thời, huyện xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 50,09 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 14,56%. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện đã có 6/8 xã đạt chuẩn NTM; 10 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa-xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể trong thực hiện chương trình. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm… góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

QUANG TẤN - HÀ CHI

Có thể bạn quan tâm