(GLO)- Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây trồng và vật nuôi, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) triển khai các mô hình nông nghiệp định hướng đến năm 2025 tại 2 xã điểm Ia Dreng và Ia Blứ.
Người dân huyện Chư Pưh trồng chanh dây trong vườn hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam |
Ông Lê Quang Vang-quyền Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-cho biết: “Trước đây, người dân ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất. Khi giá hồ tiêu giảm sâu, cộng thêm bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã làm cho đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần”.
Theo ông Vang, những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích hồ tiêu sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu và trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cao hơn. Tuy vậy, người dân chủ yếu sản xuất theo kiểu tự phát, chưa đồng bộ, thiếu liên kết nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Trước thực tế đó, năm 2020, Ia Blứ được UBND huyện chọn là 1 trong 2 xã điểm triển khai các mô hình nông nghiệp định hướng đến năm 2025 để nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, UBND huyện hỗ trợ cho xã 400 triệu đồng để triển khai các mô hình: trồng 5 ha cây mít Thái với 20 hộ tham gia; trồng 5 ha cây sầu riêng với 19 hộ tham gia; trồng dâu nuôi tằm có 8 hộ tham gia và nuôi dê sinh sản với 12 hộ tham gia. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ một phần phân bón.
Ông Mai Bá Hậu (thôn Phú Hà) cho biết: Từ khi vườn hồ tiêu bị bệnh chết, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Giờ trên diện tích này tôi chỉ trồng bắp. “Vừa rồi, gia đình tôi được hỗ trợ 2 con dê sinh sản. Hiện có 1 con sắp đẻ, tôi sẽ để lại để nhân đàn. Hy vọng đàn dê sẽ giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn”-ông Hậu nói.
Ông Mai Bá Hậu (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ) chăm sóc cặp dê sinh sản vừa được xã hỗ trợ. Ảnh: Lê Nam |
Tương tự, xã Ia Dreng cũng được UBND huyện hỗ trợ 400 triệu đồng để triển khai 2 mô hình trồng mít Thái da xanh và sầu riêng. Có tất cả 30 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 70 cây giống. Ông Hà Quốc Hùng (làng Tung Đao) vui vẻ nói: “Gia đình tôi vừa được huyện hỗ trợ 70 cây sầu riêng giống. Tôi đã trồng xen trong vườn cà phê. Khi cây sầu riêng lớn thì sẽ phá dần cây cà phê”.
Còn ông Đinh Công Túy (làng Tung Chrêh) thì cho hay: “Hiện vườn cà phê của gia đình tôi đã già cỗi nên cần tái canh. Được huyện hỗ trợ cây ăn quả để chuyển đổi cây trồng, tôi rất phấn khởi”.
Theo ông Lê Văn Cửu-Chủ tịch UBND xã Ia Dreng: Mô hình này đã giúp người dân chuyển đổi những diện tích hồ tiêu chết, kém hiệu quả sang cây ăn quả. “Cây ăn quả và cây dược liệu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Vì vậy, thời gian đến, bà con nông dân cần mở rộng diện tích và liên kết bao tiêu sản phẩm”-ông Cửu nhấn mạnh.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Mục tiêu của kế hoạch là tập trung chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cho người dân. Sau đó, tập trung tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối để cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã vùng trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
“Sau khi triển khai tại 2 xã điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng ra các xã khác”-ông Khánh thông tin thêm.
LÊ NAM