(GLO)- Công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được huyện Chư Pưh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng đã giảm đáng kể.
Hỗ trợ hộ nghèo an cư, phát triển kinh tế
Trong căn nhà mới còn thơm mùi vữa, chị Rmah H’Mlao (làng Tao Klăh, xã Ia Rong) xúc động chia sẻ: “Thấy gia đình mình khó khăn, nhà ở dột nát nên cuối năm 2019, chính quyền hỗ trợ xây một căn nhà kiên cố rộng 50 m2. Ngôi nhà mới như tiếp thêm sức mạnh để gia đình mình cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo. Huyện cũng cho mình đi học lớp thợ nề miễn phí. Hiện mình đang đi làm thợ nề, mỗi tháng thu nhập được 3 triệu đồng. Nhờ đó, nhà không còn thiếu tiền mua thức ăn như trước nữa. Mình sẽ cố gắng tiết kiệm để mua bò về nuôi”.
Gia đình ông Rmah Pek (làng Lũh Ngó, xã Ia Hrú) là hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Để tiếp thêm động lực cho gia đình vươn lên, cuối năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên và Quỹ “Vì người nghèo”, UBND huyện Chư Pưh xây cho gia đình ông Pek một ngôi nhà kiên cố rộng 40 m2 với kinh phí hơn 60 triệu đồng. “Được ở nhà xây, gia đình mình mừng lắm. Mình sẽ cố gắng lao động, dành dụm tiền mua thêm bò, dê về nuôi để vươn lên thoát nghèo”-ông Pek bộc bạch.
Gia đình chị Siu H’Pram (làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa) vươn lên thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền huyện Chư Pưh. Ảnh: H.S |
Một hoàn cảnh được các cấp chính quyền hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo bền vững là gia đình chị Siu H’Pram (làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa). Năm 2018, UBND thị trấn Nhơn Hòa vận động Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn và chi hội Phụ nữ làng Plei Djriêk đóng góp, trích quỹ Hội để mua 1 con dê cái trị giá 3,5 triệu đồng tặng gia đình chị H’Pram; đồng thời, hỗ trợ chị vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư cải tạo vườn tạp trồng 300 cây hồ tiêu. Hiện nay, gia đình chị H’Pram đã có 2 con bê mua từ tiền bán dê, 3,5 sào lúa và 300 gốc hồ tiêu phát triển tốt.
Phấn đấu giảm 5,1% số hộ nghèo trở lên
Tính đến hết năm 2019, huyện Chư Pưh còn 1.155 hộ nghèo, chiếm 6,8%, giảm 512 hộ so với cuối năm 2018. Trong đó, có 981 hộ nghèo người DTTS, chiếm 85% hộ nghèo toàn huyện. Huyện Chư Pưh đặt mục tiêu trong năm 2020 kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 5,1% trở lên so với năm 2019.
Ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: “Thời gian qua, UBND huyện phân công các phòng, ban, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội được huyện phân công hỗ trợ 37 hộ DTTS ở xã Ia Rong xây mới, sửa chữa nhà ở. Phòng đã kêu gọi vận động 85 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ này với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Đến nay, UBND xã Ia Rong đã bàn giao 37 ngôi nhà cho người dân sử dụng. Ngoài ra còn có thêm 57 căn nhà khác trên địa bàn được huyện vận động các Mạnh Thường Quân đóng góp xây dựng và bàn giao cho người dân sử dụng”.
Nhiều hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo từ các chương trình giảm nghèo. Ảnh: H.S |
Song song với việc hỗ trợ nhà ở, huyện Chư Pưh còn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng mô hình kinh tế tập thể để giảm nghèo bền vững. Tính riêng năm 2019, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 200 lao động; giải quyết việc làm cho 920 lao động, trong đó có 120 người đi xuất khẩu lao động, 800 người có việc làm thông qua các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo Hội Nông dân đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tích cực tổ chức các chương trình tư vấn, còn hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn. Năm 2019, Hội Nông dân đã thực hiện tín chấp vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ trên 114 tỷ đồng/hơn 3.700 lượt nông dân vay vốn. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân cho 33 hộ vay với số tiền trên 493 triệu đồng. Đến nay, các mô hình sản xuất có hỗ trợ vốn từ các cấp Hội đều được đánh giá là tương đối hiệu quả. Phần lớn các mô hình được hỗ trợ đều liên kết theo nhóm hộ (nhóm ít nhất là 4 hộ, nhóm đông nhất là 23 hộ), góp phần tăng thu nhập cho mỗi hộ 20-30 triệu đồng/năm và giúp địa phương giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Ông Rơ Lan Lân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người DTTS; đồng thời gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, kịp thời các chính sách của Nhà nước. Huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên.
HOÀNH SƠN