Điểm đến Gia Lai

Chư Pưh: Rộn ràng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn của huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã có sự thay đổi rõ nét. Ngoài cơ sở vật chất hạ tầng ngày càng được đầu tư hoàn thiện thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từng bước được nâng cao.
Chung tay xây dựng NTM
Con đường đổ bê tông phẳng lì nối từ trục giao thông chính ngang qua địa bàn xã Ia Dreng dẫn vào làng Tung Blai rộn ràng những chuyến xe ngược xuôi. Nếu không phải xe máy chở người đi làm rẫy, giải quyết công việc gia đình thì là xe ô tô, công nông chở hàng nông sản của dân làng. Ngồi trong ngôi nhà có dãy tường gạch cao hơn 2 m bao nửa khu vườn của gia đình ở sát con đường dẫn vào làng Tung Blai, ông Đỗ Xuân Diệu bồi hồi chuyện cũ: “Cuối năm 2013 trở về trước, con đường này chỉ rộng chừng 1 m, chưa đổ bê tông, mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Thời điểm đó, Ia Dreng cũng bắt tay xây dựng xã NTM. Đầu năm 2014, xã có chủ trương bê tông hóa con đường này bằng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tôi thấy chủ trương đúng đắn nên tự nguyện hiến 400 m2 đất cùng hơn 37 triệu đồng và ủng hộ thêm 6 chuyến xe tải đổ đất để làm đường. Hồi đó cũng có người nói ra nói vào, nhưng tôi nghĩ, làm đường, dân mình được hưởng lợi nhiều hơn, sao lại không chung tay đóng góp”.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tung Blai Phạm Công Toàn tiếp lời: “Không chỉ tự nguyện hiến đất, ủng hộ tiền, anh Diệu còn vận động bà con dân làng góp công góp của. Kết quả, người dân ủng hộ được hơn 700 triệu đồng, cộng với ngân sách nhà nước 300 triệu đồng, chúng tôi tiến hành làm 1 km đường bê tông. Sau khi hoàn thành con đường, bà con càng phấn khởi hơn vì Tung Blai là làng đầu tiên trong huyện hiến đất, ủng hộ tài lực làm đường”.
Con đường do nhân dân Tung Blai đóng góp 700 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cùng với tự nguyện hiến đất, người dân làng Tung Blai (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đóng góp 700 triệu đồng để làm đường giao thông. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ở xã Ia Dreng, quá trình xây dựng NTM đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Ngoài làng Tung Blai thì bà con làng Tung Đao, Tung Chrêh hiến 3.320 m2 đất cùng hàng trăm ngày công làm 1,6 km đường giao thông nội đồng và đóng góp hơn 27 triệu đồng mắc hệ thống điện chiếu sáng, camera an ninh trên tuyến đường giao thông liên huyện qua địa bàn xã. Đầu tháng 8-2021, Nhân dân và cán bộ xã Ia Dreng hân hoan niềm vui khi xã tổ chức lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM.
Không riêng Ia Dreng, các xã khác của huyện Chư Pưh cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong việc ủng hộ tiền của đóng góp xây dựng NTM. Đơn cử như việc người dân thôn Hòa Sơn (xã Ia Phang) đóng góp 160 triệu đồng để lắp camera an ninh, hệ thống điện chiếu sáng đường quê theo mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”. Tương tự, thôn Kênh Săn (xã Ia Le) đóng góp 150 triệu đồng triển khai mô hình này. 
Hệ thống điện đường do người dân 2 làng Tung Đao và Tung Chrêh (xã Ia Dreng) đóng góp kinh phí để lắp đặt. Ảnh: Thiên Di
Hệ thống điện đường do người dân 2 làng Tung Đao và Tung Chrêh (xã Ia Dreng) đóng góp kinh phí để lắp đặt. Ảnh: Thiên Di

Theo báo cáo của UBND huyện Chư Pưh, 6 tháng đầu năm 2021, huyện đã huy động sự đóng góp của người dân và các tổ chức, đoàn thể được hơn 15 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn như: điện, đường, trường, chợ. Mặt khác, các cấp hội, đoàn thể của huyện cũng đã kêu gọi, ủng hộ hàng trăm triệu đồng để chung tay thực hiện chương trình NTM trên địa bàn. Ông Trần Đức Hậu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh-chia sẻ: “6 tháng đầu năm 2021, Hội đã vận động hội viên nông dân toàn huyện hiến 350 m2 đất và đóng góp 122 ngày công tu sửa, xây mới hệ thống đường giao thông nông thôn; nạo vét 21 km kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, Hội cũng cấp 18 con dê, 2 con bò, 500 cây mít Thái với kinh phí là 160 triệu đồng để hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho người dân, nhất là hộ dân tộc thiểu số”.
Bên cạnh sự đóng góp các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã góp công không nhỏ trong việc chung tay xây dựng NTM ở Chư Pưh. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Những năm qua, các doanh nghiệp điện gió, chăn nuôi gia súc, trang trại nông nghiệp kết hợp điện áp mái đã đầu tư, xây dựng rất nhiều công trình hạ tầng giao thông ở các xã để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như các công ty điện gió đã thi công nhiều tuyến đường giao thông ở một số xã, thị trấn như Nhơn Hòa, Chư Don, Ia Le. Mặt khác, họ cũng sử dụng một lượng lớn lao động trên địa bàn. Chính những điều này đã đóng góp cùng địa phương trong việc xây dựng NTM”.
Phấn đấu năm 2025 “về đích” huyện NTM
Đến nay, huyện Chư Pưh có 6 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, còn xã Ia Hla đạt 11/19 tiêu chí và xã Chư Don đạt 12/19 tiêu chí. Đặc biệt, sau hơn 3 năm (2018-2020) thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Chư Pưh có 7 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM. 
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của huyện Chư Pưh từng bước khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các xã phát triển nhanh, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn với 98% trục đường giao thông đến các xã được nhựa hóa, 85,95% tuyến đường qua các thôn, làng được cứng hóa. 100% hộ dân ở Chư Pưh được sử dụng điện lưới thường xuyên. 
Những kết quả trên phản ánh nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân Chư Pưh trong việc triển khai xây dựng NTM. Tuy vậy, để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia này vào năm 2025, huyện Chư Pưh còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của người dân trong huyện còn ở mức thấp, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Ông Lê Quang Vang-Chủ tịch UBND xã Ia Blứ-bộc bạch: “Xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Thế nhưng, khi áp dụng theo bộ tiêu chí mới thì 2 tiêu chí gồm cơ sở vật chất văn hóa và nhà ở lại chưa đạt chuẩn. Chúng tôi phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành 2 tiêu chí này. Cụ thể, xã đã đăng ký vốn và ngân sách huyện hỗ trợ 200 triệu đồng để cùng với tiền đóng góp của người dân xây dựng hội trường thôn Phú Vinh. Đối với tiêu chí nhà ở, qua vận động nhiều nguồn lực, đến nay, đã sửa chữa được 10 căn nhà. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí khoảng 220 triệu đồng để tiến hành sửa chữa 16 căn nhà tạm còn lại”.
Vườn mít trĩu quả của anh Đỗ Hữu Tín (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Ảnh: Thiên Di
Vườn mít trĩu quả của anh Đỗ Hữu Tín (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh). Ảnh: Thiên Di
Còn ông Lê Văn Cửu-Chủ tịch UBND xã Ia Dreng thì cho hay: “Chúng tôi mới được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ tháng 5-2021, do đó, đang tập trung nguồn lực để duy trì 19/19 tiêu chí đạt được cho đến hết năm. Những năm tiếp theo mới tập trung nâng cao các tiêu chí. Để duy trì các tiêu chí trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là việc không dễ dàng, nhưng chúng tôi quyết tâm nỗ lực”.
Theo ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự chung sức đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị. Điều này đã mang đến cho các vùng nông thôn sức sống mới. Tuy nhiên, năm 2021 mới chỉ là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 nên sẽ còn nhiều khó khăn như: chất lượng tiêu chí chưa bền vững, kinh tế hợp tác chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, việc huy động nguồn lực xây dựng NTM gặp khó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…
“Thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí đạt được, khắc phục tiêu chí sụt giảm do quy định mới. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2021, xã Ia Blứ hoàn thành 2 tiêu chí bị sụt giảm theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020; xã Ia Hla đạt 16/19 tiêu chí và xã Chư Don đạt 15/19 tiêu chí; phấn đấu có 5 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, huyện cũng sẽ hoàn thành bổ sung nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch NTM ở các xã, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, thu hút và kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất nhằm nâng cao thu nhập của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn. Chúng tôi phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 đưa huyện Chư Pưh đạt chuẩn NTM”-Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.
THIÊN DI - NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm