Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Chư Pưh “tiếp sức” cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” được Huyện Đoàn Chư Pưh triển khai đồng bộ và có sức lan tỏa sâu rộng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Phạm Thị Thu Thảo-Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh-cho biết: Toàn huyện có 15 tổ chức cơ sở Đoàn với 5.981 ĐVTN. Thời gian qua, Huyện Đoàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương định hướng, khuyến khích ĐVTN tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Đồng thời, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện Đoàn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề; định hướng, tạo việc làm cho ĐVTN. Cụ thể, năm 2023, Huyện Đoàn đã phối hợp tổ chức 8 buổi tư vấn, hướng nghiệp cho 1.600 ĐVTN của Trường THPT Nguyễn Thái Học; phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại xã Ia Le và Ia Hrú cho 110 ĐVTN, trong đó, đã giới thiệu việc làm cho 19 ĐVTN và có 45 thanh niên đăng ký học nghề.

Đoàn viên Đặng Xuân Lợi (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: N.Q

Đoàn viên Đặng Xuân Lợi (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: N.Q

Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng ưu đãi do Huyện Đoàn quản lý hơn 59,4 tỷ đồng, thông qua 33 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.544 thanh niên được vay để phát triển sản xuất. Cùng với đó, Huyện Đoàn còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động ĐVTN xung kích đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phối hợp với tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp cho hội viên đi tham quan, học tập những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân tiêu biểu về nghị lực vượt khó, có cách làm sáng tạo trong sử dụng vốn vay. Nhờ đó, nhiều gia đình thanh niên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Tiêu biểu trong số này là mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của các đoàn viên: Cao Hữu Phú, Nguyễn Văn Thành (thị trấn Nhơn Hòa), Đặng Xuân Lợi, Võ Quốc Chính (xã Ia Blứ)…

Mô hình nuôi dê kết hợp trồng cây ăn quả, bắp sinh khối, khoai môn đã từng bước mang lại thu nhập ổn định cho gia đình đoàn viên Đặng Xuân Lợi (thôn Thiên An, xã Ia Blứ). Anh Lợi cho biết: “Trước đây, do thiếu vốn sản xuất nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2021, được Huyện Đoàn hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi đã đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình đem lại thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm”.

Tương tự, mô hình trồng chanh dây, hồ tiêu theo hướng bền vững kết hợp nuôi dê của đoàn viên Cao Hữu Phú (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa) là địa chỉ quen thuộc để ĐVTN tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh Phú chia sẻ: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cũng như tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nên đời sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước nhiều. Với đàn dê khoảng 40 con và vườn hồ tiêu, chanh dây trồng theo hướng hữu cơ, mỗi năm, tôi thu hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: N.Q

Ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Ảnh: N.Q

Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh cho biết thêm: Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Trong đó, tiếp tục tham mưu tạo cơ chế, khuyến khích và hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, mở rộng sản xuất kinh doanh; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Huyện Đoàn chú trọng duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong ĐVTN, qua đó tạo khí thế thi đua, tiếp thêm động lực, niềm tin để tuổi trẻ toàn huyện tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương.

Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, ĐVTN huyện Chư Pưh đã phát huy được vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Sự nỗ lực vươn lên của ĐVTN đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 9,43% vào cuối năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm. Đến nay, huyện có 6 xã và 10 làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm