Kinh tế

Chư Pưh ưu tiên vốn vay ưu đãi cho người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Những năm qua, bên cạnh tuyên truyền, vận động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cũng quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Chư Pưh là địa phương có tỷ lệ người DTTS cao, chiếm hơn 52% dân số. Đến cuối năm 2022, huyện còn 2.132 hộ nghèo, chiếm 12% dân số; trong đó, hộ nghèo người DTTS là 1.868 hộ, chiếm trên 87,6% tổng số hộ nghèo.

Để thay đổi nhận thức của người dân, thời gian qua, huyện Chư Pưh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây-con giống chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Pưh đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hà Chi

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chư Pưh đã thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hà Chi

Đặc biệt, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ nghèo người DTTS tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng như hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Điển hình như gia đình anh Ksor Sương (thôn Kênh Mek, xã Ia Le), từ một hộ nghèo của xã đến nay đã thoát nghèo và có cuộc sống ngày càng ổn định, khấm khá hơn. Sau khi được tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Sương đã đầu tư mua dê, bò sinh sản để phát triển chăn nuôi và trồng thêm mì, bắp.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt qua các lớp tập huấn của xã, huyện cùng sự cần cù, chịu khó làm ăn, đến nay, đời sống kinh tế gia đình anh Sương từng bước được nâng lên.

Anh Sương phấn khởi nói: “Trước đây, do thiếu đất sản xuất và vốn đầu tư phát triển sản xuất nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, làm không đủ ăn. Năm 2018, gia đình mình được tạo điều kiện cho vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê, mình đã đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi. Thu nhập từ đàn dê không những giúp gia đình mình trả được số vốn vay của ngân hàng mà còn có điều kiện mua thêm đất trồng mì, bắp và chăn nuôi thêm bò. Đến nay, mình đã nhân rộng đàn dê lên trên 20 con, 5 con bò và trồng được 1,5 ha mì và bắp. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng”.

Gia đình chị Kpuih H’Dõ (làng Chư Pố 2, xã Ia Phang) cũng là một hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã tạo điều kiện vay 50 triệu đồng năm 2016, chị H’Dõ đã đầu tư nuôi dê, trồng cà phê, cây ăn quả…

Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mà gia đình chị H'Dõ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Hà Chi

Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi mà gia đình chị H'Dõ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Hà Chi

Đến nay, chị H’Dõ mở rộng diện tích đất, trồng 2.000 cây cà phê, 100 cây bơ, 30 cây bơ và đàn dê luôn duy trì từ 12 con trở lên. “Cuộc sống bây giờ đã ổn định, mỗi năm sau khi trừ đi chi phí đầu tư, gia đình thu được trên 200 triệu đồng. Mình không những có tiền trả nợ ngân hàng mà còn có của ăn, của để, con cái được đến trường học chữ, không phải lo thiếu đói như trước”-Chị H’Dõ phấn khởi nói.

Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh, tính đến nay, dư nợ trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn trên 322 tỷ đồng, chiếm khoảng 58% tổng dư nợ toàn huyện.

Ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện-cho biết: “Để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống mức thấp, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo đó, Phòng Giao dịch sẽ phối hợp với Mặt trận và các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến từng thôn, làng cũng như giới thiệu cho bà con biết những mô hình, cách làm hay. Từ đó, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của họ và mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng cần xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm để người dân học tập, làm theo”.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của người dân, hy vọng thời gian tới, công tác giảm nghèo trong vùng DTTS ở Chư Pưh sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương.

Có thể bạn quan tâm