Xã hội

Hàng ngàn nông dân Đức Cơ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi giúp hàng ngàn hộ dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định; qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ đã giải ngân kịp thời, giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ chính sách ở địa phương có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Ảnh: Hà Phương
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Ảnh: Hà Phương

Để đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đức Cơ đã ủy thác tín dụng cho Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Huyện Đoàn quản lý.

Ông Nguyễn Văn Diệu-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ-cho biết: Toàn huyện có 174 tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến 31-12-2022, tổng dư nợ đạt trên 374,1 tỷ đồng (tăng so với đầu năm 41 tỷ đồng) với 8.278 khách hàng dư nợ, tăng 643 khách hàng so với năm 2021.

Theo đó, dư nợ chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như: cho 1.257 hộ nghèo vay với số tiền trên 52,8 tỷ đồng; 2.295 hộ cận nghèo 102,1 tỷ đồng; 1.025 hộ mới thoát nghèo gần 45,2 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 1.739 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn vay 70,545 tỷ đồng, 865 khách hàng vay giải quyết việc làm với tổng số 37,187 tỷ đồng... “Có được thành quả này cũng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện và ngân hàng cấp trên cùng sự phối hợp nhịp nhàng với các hội, đoàn thể nhận ủy thác. Có thể nói, tín dụng chính sách trong thời gian qua là điểm sáng, là trụ cột trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện”-ông Diệu khẳng định.

Năm nay là năm thứ 4, gia đình chị Ksor Hyơn ở làng Sung Le Kắt (xã Ia Kla) được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Với nguồn vốn vay ban đầu 40 triệu đồng, chị Hyơn đã đầu tư trồng và chăm sóc hơn 500 cây cà phê và 2 ha điều. Nhờ siêng năng chịu khó và biết cách tiết kiệm chi tiêu nên gia đình chị đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Từ hộ nghèo của xã, đến nay gia đình chị Hyơn đã có kinh tế ổn định. “Tôi được tổ tiết kiệm vay vốn giới thiệu cho vay để phát triển trồng trọt. Nhờ đó, mỗi năm tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định, nuôi các con ăn học đầy đủ”-chị Hyơn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Quyết Thắng, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) chăm sóc đàn heo của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Quyết Thắng, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) chăm sóc đàn heo của gia đình. Ảnh: Hà Phương

Điển hình trong số hộ nghèo được vay vốn làm ăn hiệu quả là gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ở thôn Quyết Thắng, xã Ia Din. Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã, chị Thúy vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. “Trước đây, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn và là hộ nghèo của thôn, chỉ trồng gần 400 cây cà phê già cỗi, không có tiền đầu tư phân bón. Từ khi được tổ vay vốn hỗ trợ, gia đình tôi có tiền để đầu tư chăm sóc cây cà phê. Đến nay, diện tích cà phê của tôi tăng lên 1 ha và đàn heo 8 con. Sau 4 năm chăn nuôi, trồng trọt tôi dần dần tích lũy và đã trả hết số tiền vay. Hàng năm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, tôi có lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Giờ gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn”-chị Thúy bộc bạch.

Để nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo được thuận lợi, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương thành lập các tổ vay vốn ngay tại thôn, làng. Các tư vấn viên, tổ trưởng tổ vay vốn là những chi hội trưởng và người có khả năng tuyên truyền, vận động, làm cầu nối giữa ngân hàng với người dân.

Ngoài ra, tổ trưởng tổ vay vốn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hội viên trả nợ đúng hạn cũng như tiếp nhận những vướng mắc kiến nghị để báo cáo kịp thời cho tổ chức hội và cán bộ tín dụng phụ trách giải quyết. Bà Nguyễn Thị Ngà-tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Quyết Thắng (xã Ia Din) cho hay: Bà làm tổ trưởng tổ vay vốn được gần 13 năm. Trong quá trình đó, bà luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như truyền tải kịp thời những chủ trương, chính sách mới về tín dụng đến với những hộ có nhu cầu vay vốn. “Hiện trên địa bàn thôn có 52 hộ vay vốn với số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Chúng tôi rà soát và chọn đúng đối tượng để hỗ trợ vay vốn. Từ nguồn vốn vay trên đã giúp cho nhiều hộ khó khăn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt cho các hội viên. Đến nay, tổ không có trường hợp nào nợ xấu, nợ quá hạn và là một trong những tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu trên địa bàn huyện”-bà Ngà chia sẻ.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đức Cơ đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hà Phương
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đức Cơ đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hà Phương

Từ khi Ngân hàng Chính sách xã hội ký văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác với các hội, đoàn thể thì Hội Nông dân huyện đã làm cầu nối giúp hàng ngàn lượt hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Võ Minh Khôi-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Cơ-cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ trong hội viên nông dân toàn huyện là 98,7 tỷ đồng. Hội thường xuyên phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nâng cao chất lượng hoạt động của 45 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, vận động hộ vay gửi tiền tiết kiệm và tích lũy dần để trả nợ. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hàng ngàn hội viên, nông dân có việc làm ổn định và vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình vùng nông thôn có công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn.

Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-thông tin: Thực hiện nghị quyết của Hội đồng quản trị, Ban đại diện tập trung chỉ đạo Phòng giao dịch huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể nhận ủy thác hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Kết quả hoạt động đã góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Trong năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay 692 lượt hộ nghèo, 704 lượt hộ cận nghèo, 170 hộ mới thoát nghèo, 466 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, xây dựng được 1.776 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 17 học sinh, sinh viên vay vốn mua thiết bị học tập; 48 hộ nghèo vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP... Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

“Năm 2023, chúng tôi tiếp tục tham mưu nguồn vốn ngân sách huyện bổ sung 1,5 tỷ đồng cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Giao dịch huyện tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai có hiệu quả. Cùng với đó, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát cũng như quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách”-ông Phận cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm