TN - Đất & Người

Chủ rừng đơn độc, chính quyền 'kêu khó'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Như TTXVN đã đưa tin, hơn 10 ngày qua, trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, hàng ngàn cây thông rừng gần 20 năm tuổi bị hạ độc bằng thuốc trừ cỏ.
Hiện tại, cả cánh rừng rộng hơn 10 ha này đã chết đứng, cháy khô. Phóng viên TTXVN đã tới gặp chủ rừng, chính quyền địa phương và phát hiện nhiều bất ngờ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây. 
 
Công nhân Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng kiểm tra các vết khoan trên thân cây. 
Chủ rừng đơn độc bảo vệ rừng
Theo thông tin từ Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai), đơn vị này được giao trách nhiệm trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ hơn 133 ha rừng tại địa phương.
Diện tích này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu 289 và 292 thuộc xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Từ gần 20 năm trước, khi nơi này còn chưa có đường ô tô, hàng trăm công nhân của đơn vị đã phải gùi từng cây thông giống, đi bộ cả cây số để trồng và chăm sóc vất vả mới có được cánh rừng trên. 
Tiểu khu 292 với diện tích rừng trồng trên 55 ha là địa bàn rất phức tạp, từ năm 2018 đến nay liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng với mục đích chiếm, giành đất. Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai đã phải sử dụng máy múc bờ mương bao lô vây quanh diện tích đất do đơn vị quản lý; đồng thời thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, các đối tượng đã nhiều lần thực hiện các hành vi hủy hoại, chiếm đoạt rừng của đơn vị như khoan lỗ, bơm thuốc trừ cỏ hạ độc cây; dùng máy múc phá bỏ bờ bao; lén lút trồng các loại cây công nghiệp hơn 2 năm tuổi lên diện tích đã lấn chiếm…
Chủ rừng đã phát hiện nhiều vụ việc, lập biên bản chuyển các ngành chức năng khởi tố, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa nắm bắt được đối tượng vi phạm, hoặc có đối tượng thì chỉ xử lý hành chính, không đủ sức răn đe. 
 
Khu vực này đã từng bị lâm tặc chặt phá thông, đã trồng keo vào chống lấn chiếm, nhưng cũng bị lâm tặc đốt trụi. 
Ông Trần Quang Sáng, Trưởng ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà cho biết: Ngày 26/4/2019, đội tuần tra của đơn vị vào kiểm tra tại tiểu khu 292 thì phát hiện tại lô B3, B4 rừng có dấu hiệu lá bị vàng. Sau khi báo cáo về đơn vị, Ban quản lý đã vào kiểm tra hiện trường, phát hiện 7,85 ha cây thông bị khoan gốc, bơm thuốc trừ cỏ vào hạ độc.
Đơn vị đã làm các thủ tục đo đường kính, chiều cao, trữ lượng, khối lượng… lập hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý, làm báo cáo gửi các ban, ngành chức năng có thẩm quyền trong huyện để hỗ trợ đơn vị tiếp tục điều tra. Sau đó, Ban quản lý rừng phát hiện thêm ở lô B1, B2 rừng cũng bị hạ độc với diện tích trên 2,9 ha.
Theo thông tin ban đầu của đơn vị chủ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 10,785 ha, với khoảng 3.400 cây thông 3 lá trên 17 năm tuổi bị hạ độc không thể cứu chữa. Ngay khi phát hiện vụ việc, chủ rừng đã báo cáo gửi các ngành chức năng và chính quyền địa phương vào ngày 27/4/2019. Đồng thời, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai cũng đã đặt 1 chiếc container cũ tại khu vực trên làm trạm bảo vệ, cử nhân viên bảo vệ rừng trông coi 24/24 giờ.
Chính quyền địa phương “kêu khó”
Trong khi đơn vị chủ rừng đơn độc, loay hoay quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao thì chính quyền địa phương cho rằng đây là rừng của Công ty nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ; đồng thời cho rằng các quy định của pháp luật hiện hành còn chưa chặt chẽ, mức phạt quá nhẹ gây khó khăn cho việc xử lý đối tượng vi phạm.
Cụ thể, ngày 3/4/2019, Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà bắt quả tang Lê Văn Thịnh (sinh năm 1980, trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) được Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1996, trú tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) thuê đưa máy xúc vào san ủi trái phép hơn 13.000 m2 đất lâm nghiệp. Diện tích này có gần 3.000 m2 thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai và trên 10.000 m2 của nhà nước do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. 
Trong vụ việc trên, chính quyền xã Tân Thanh đã lập biên bản, tạm giữ máy móc, nhưng sau đó chỉ lập biên bản xử lý hành chính 1,5 triệu đồng với chủ máy và 4 triệu đồng với người thuê máy; đồng thời trả chiếc máy xúc trên cho chủ sở hữu. Chỉ 2 ngày sau đó, chiếc máy xúc trên lại đến địa bàn bị lập biên bản trước đó, hoàn thành nốt “hợp đồng” với người thuê múc hố trồng cây cà phê, phá nốt những cây rừng còn lại.
Đáng chú ý là các đối tượng này đã đưa những cây trồng trên 2 năm tuổi đến trồng tại diện tích lấn chiếm để lách luật. Bởi theo quy định của pháp luật, những diện tích đất có cây trồng trên 2 năm tuổi được quy định riêng, khó xử lý hơn với diện tích có cây dưới 2 năm tuổi.
 
Đơn vị chủ rừng khẩn cấp xây dựng Trạm bảo vệ rừng tại hiện trường vụ việc.
Tại buổi làm việc với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hải Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết: Ngày 4/5, UBND xã Tân Thanh đã cử ông Nguyễn Kiều, Phó ban Lâm nghiệp xã tham gia cùng Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra khu vực rừng xảy ra vụ hạ độc (lãnh đạo UBND xã không tham gia - PV). Còn trước Tết Nguyên đán 2019, chủ rừng đề nghị địa phương hỗ trợ 2 công an viên tham gia tuần tra bảo vệ.
Vụ việc đưa máy xúc vào lấn chiếm đất rừng ngày 3/4, chính quyền xã đã ra quyết định xử phạt hành chính các đối tượng về 2 hành vi lấn chiếm đất và tự ý đưa phương tiện cơ giới vào hoạt động tại diện tích đất lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các hành vi này chỉ có thể xử lý hành chính với mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Theo ông Quân, quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe, khiến việc quản lý và bảo vệ rừng của chính quyền địa phương gặp khó khăn.
Tại cuộc làm việc của phóng viên TTXVN với đại diện UBND huyện Lâm Hà, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, xảy ra vụ việc khá nghiêm trọng về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Ngày 26/4, tại tiểu khu 292, trên diện tích đất lâm nghiệp mà UBND tỉnh cho Công ty nguyên liệu giấy Tân Mai thuê, đã xảy ra vụ việc các đối tượng phá rừng với diện tích hơn 8 ha (diện tích bị phá thực tế là 10,785 ha nhưng lãnh đạo huyện không nắm được - PV). Ngày 29/4, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Tân Thanh cùng chủ rừng kiểm tra hiện trường, lập hồ sơ, củng cố hồ sơ, chuyển qua cơ quan điều tra xử lý hình sự…
 
Khu rừng bị hạ độc có đường vào khá thuận lợi, càng gây sự ham muốn của lâm tặc.
Vụ việc xảy ra tranh chấp giữa người dân với Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai (do UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân chồng lấn lên diện tích UBND tỉnh cấp cho doanh nghiệp), ông Nguyễn Minh An cho biết: Chính quyền huyện đã kiểm tra, ý kiến của người dân vi phạm cho rằng đất đó là đất sản xuất nông nghiệp được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu có hiện tượng cấp chồng, cấp không đúng quy định, huyện sẽ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ, tổ chức có liên quan. Hiện Phòng Tài nguyên môi trường và UBND xã đang tổ chức kiểm tra rà soát.
Vụ việc hàng ngàn cây thông rừng tại xã Tân Thanh bị hạ độc được chủ rừng xác định là hết sức nghiêm trọng; chính quyền địa phương xác định là khá nghiêm trọng. Từ ngày 27/4, Ban quản lý rừng Nguyên liệu giấy Lâm Hà đã làm văn bản số 20/BC-BLH gửi UBND huyện Lâm Hà và các ngành chức năng của huyện. Đến ngày 7/5, UBND huyện Lâm Hà mới tổ chức đoàn công tác bao gồm lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã Tân Thanh và các ngành chức năng xuống kiểm tra tại cơ sở, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ việc trên.
Chu Quốc Hùng-Đặng Tuấn (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm