Điểm đến Gia Lai

Chư Sê đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Chư Sê đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nông dân từng bước được nâng cao.

Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Chư Sê từng là một trong những “thủ phủ” cà phê, cao su và hồ tiêu. Tuy nhiên, hơn 5 năm trở lại đây, giá các loại cây công nghiệp dài ngày xuống thấp, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cây hồ tiêu chết dẫn đến nhiều hộ nông dân rơi vào khó khăn.

Trước tình hình đó, Huyện ủy Chư Sê đã tập trung chỉ đạo triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất. Theo đó, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU chuyên đề về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020.

 Vườn hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Ia Tiêm. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân xã Ia Tiêm. Ảnh: Nguyễn Diệp


Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,99%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt 3.870 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 33,85% cơ cấu kinh tế của huyện. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã chuyển đổi trên 1.374 ha hồ tiêu bị chết do ảnh hưởng bởi hạn hán, dịch bệnh sang trồng 608 ha cà phê, 303 ha bơ, 136 ha sầu riêng, 55 ha mít, 76,7 ha chanh dây, 4,5 ha cây dược liệu, 98 ha cây ngắn ngày. Ngoài ra, huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi những chân ruộng thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Trung-Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh-dịch vụ Ia Ring (xã Ia Tiêm) cho biết: Làng Ia Ring có 204 hộ sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước đây, giá các loại nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê ở mức cao nên đời sống người dân khá ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh, hạn hán khiến nhiều diện tích hồ tiêu bị chết cùng với giá xuống thấp đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần. Từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ đã tái canh vườn cà phê già cỗi hay chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp như: bơ, sầu riêng, mít Thái… Nhờ đó, đời sống của người dân trong làng từng bước ổn định hơn, nhiều hộ bắt đầu có thu nhập khá từ việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác và thị trường tiêu thụ bền vững.

Người dân xã Ia Tiêm trồng xen canh cây ăn quả vào vườn hồ tiêu đã chết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã Ia Tiêm trồng xen cây ăn quả vào vườn hồ tiêu đã chết. Ảnh: Nguyễn Diệp


“Riêng gia đình tôi quyết định trồng lại cà phê trên diện tích hồ tiêu chết và xen canh các loại cây ăn quả kết hợp trồng cỏ nuôi bò. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình đã ổn định hơn. Năm vừa rồi, tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo đầu ra ổn định”-ông Trung nói.

Còn ông Đào Vĩnh Dũng (cùng làng Ia Ring) thì cho hay: “Tôi đã quyết định chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu sang trồng 300 cây mít, 200 cây bơ, 150 cây sầu riêng và 800 cây cà phê. Đồng thời, đầu tư phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Đến nay, bơ và mít đã cho thu hoạch với nguồn thu nhập ổn định. Riêng diện tích hồ tiêu 1.400 trụ và vườn cà phê thì gia đình liên kết sản xuất với doanh nghiệp nên đầu ra được đảm bảo. Năm 2020, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu về khoảng 300 triệu đồng”.

Nhiều diện tích cà phê được người dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C góp phần nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định. Ảnh: Nguyễn Quang
Nhiều diện tích cà phê được người dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C góp phần nâng cao chất lượng và tạo đầu ra ổn định. Ảnh: Quang Tấn


Song song với chuyển đổi cây trồng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, toàn huyện có hơn 889 ha cây trồng sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic và 4C. Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục có sự khởi sắc khi thu hút các dự án đầu tư theo hướng trang trại áp dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Đến cuối năm 2020, huyện có 3 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, 3 dự án UBND tỉnh đang xem xét chủ trương đầu tư và 2 dự án đang xin nghiên cứu, đề xuất dự án. Toàn huyện hiện có 4 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 14 trang trại quy mô vừa, 57 trang trại quy mô nhỏ…

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện có bước đi đúng hướng ở tất cả các lĩnh vực. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng gắn với thị trường tiêu thụ. Đây là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăm sóc các cây trồng chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều và cây ăn quả. Đồng thời, huyện cũng sẽ đẩy mạnh tái canh cà phê và cây điều bằng các giống có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó là tiếp tục chuyển đổi các diện tích thường xuyên bị hạn, kém năng suất sang trồng các loại cây phù hợp và có giá trị kinh tế cao. Khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi, cân đối hợp lý diện tích sản xuất các loại cây trồng đảm bảo phù hợp với năng lực tưới cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm…

Người dân xã Al Bá có thu nhập cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Quang Tấn
Người dân xã Al Bá có thu nhập cao từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Quang Tấn


Cùng với đó, huyện sẽ chú trọng xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung an toàn sinh học để phòng trừ dịch bệnh; khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ chăn nuôi để nâng cao chất lượng đàn gia súc. Ứng dụng các mô hình chăn nuôi theo công nghệ sinh học, giảm ô nhiễm môi trường kiểm soát được dịch bệnh với quy mô nông hộ, trang trại, khuyến khích các loại hình sản xuất khép kín liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Khai thác các nguồn lợi thủy sản một cách hợp lý, phát triển mô hình nuôi cá lồng tại các hồ chứa nước để tăng hiệu quả sử dụng mặt nước tự nhiên.

Trao đổi với P.V, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hồng Hà cho hay: Huyện xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành một số vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực của huyện gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, lao động... để thu hút đầu tư vào địa bàn, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm sản. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai các chính sách ưu đãi hỗ trợ HTX về vốn tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất… Mục tiêu phấn đấu của huyện là có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xây dựng Chư Sê trở thành huyện nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế hỗ trợ phù hợp để cơ sở, doanh nghiệp, trang trại và nông hộ phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ; phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, huyện có thêm 38 sản phẩm OCOP.

 

NGUYỄN DIỆP - NGUYỄN QUANG

Có thể bạn quan tâm