Xã hội

Đời sống

Chư Sê kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Kết quả này góp phần không nhỏ trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 8,04% (năm 2022) xuống còn 6,24%; riêng tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 16,51% xuống còn 12,84%.

“Bệ đỡ” hỗ trợ thoát nghèo

Gia đình anh Siu Tik (làng Greo Pết, xã Dun) thuộc diện hộ nghèo nên năm 2021 được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Bên cạnh đó, anh được các hội, đoàn thể của xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên 4 con, trong đó, 2 con bò cái đang chuẩn bị đẻ thêm bê con. Cùng với đó, 3 con dê mua gần đây cũng đang chuẩn bị đẻ. Chưa hết, nhờ số tiền 50 triệu đồng từ việc cho thuê 5 sào rẫy cà phê hồi đầu năm 2022, anh đã sửa chữa được căn nhà. Mặc dù chưa trả hết nợ ngân hàng nhưng gia đình anh đã thoát nghèo.

Anh Siu Tik (làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) đã thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: M.P

Anh Siu Tik (làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) đã thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách. Ảnh: M.P

Tương tự, năm 2022, gia đình bà Siu Bưr (cùng làng) được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Bà dùng một phần số tiền này mua 2 con bò sinh sản, còn lại mua phân bón cho 8 sào cà phê, lúa để cải thiện năng suất. Đến nay, đàn bò sắp sửa nâng lên thành 4 con. Vụ cà phê vừa rồi, gia đình bà thu được 40 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình bà đã thoát nghèo.

Theo ông Lê Đình Tuyền-Chủ tịch UBND xã Dun: Ngoài việc tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã còn phân công cán bộ, công chức phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, hỗ trợ người dân về phương án sản xuất. Hiện xã có 430 hộ vay vốn phát triển sản xuất từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng dự nợ hơn 15,4 tỷ đồng.

“Nguồn vốn tín dụng chính sách chính là bệ đỡ giúp các hộ nghèo đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống, hạn chế tình trạng tái nghèo. Hiện xã còn 82 hộ nghèo, chiếm 7,01%. Mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 2%”-Chủ tịch UBND xã Dun cho hay.

Còn tại thôn Bầu Zút (thị trấn Chư Sê), thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn, năm 2021, chị Huỳnh Thị Mỹ Dung được tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Cùng với đó, Chi hội Phụ nữ thôn còn cho mượn 10 triệu đồng từ mô hình “Xoay vòng vốn” để chị Dung đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, trồng thêm rau sạch và cây ăn quả. Mỗi ngày, chị có thu nhập 300-500 ngàn đồng từ việc bán rau và trái cây, còn số tiền thu từ vườn cà phê, chị dành tiết kiệm. Nhờ đó, gia đình chị không những thoát nghèo, trả hết nợ ngân hàng mà còn có vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Công-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-cho biết: Hiện tổng dư nợ các nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay phát triển kinh tế trên địa bàn thị trấn là hơn 13,4 tỷ đồng. Song hành cùng nguồn vốn này là các mô hình hỗ trợ của các hội, đoàn thể. Nổi bật là Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn với mô hình “Xoay vòng vốn” giúp hội viên khó khăn mượn không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên còn có mô hình đàn dê thoát nghèo hay hỗ trợ bò sinh sản, giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, thị trấn còn 137 hộ nghèo (chiếm 1,72%) và 216 hộ cận nghèo (chiếm 2,71%). Năm 2023, thị trấn có 31 hộ thoát nghèo, năm 2024 phấn đấu có thêm 49 hộ thoát nghèo.

Tiếp tục phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Theo ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê: Tổng dư nợ đến hết năm 2023 của Phòng Giao dịch đạt trên 439 tỷ đồng với 11.324 hộ vay. Dư nợ bình quân 1 hộ là 38,77 triệu đồng, tăng 2,98 triệu đồng so với năm 2022. Các chương trình có dư nợ tăng cao so với đầu năm gồm: vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vay nhà ở xã hội; vay hộ nghèo.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê khẳng định: Đơn vị đã tranh thủ nguồn vốn cấp trên, tập trung huy động nguồn vốn địa phương để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 637 hộ thoát nghèo, 841 hộ ra khỏi danh sách cận nghèo; giải quyết việc làm cho 713 lao động; xây dựng, sửa chữa 1.299 công trình nước sạch và 1.285 công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng 17 căn nhà cho hộ nghèo… Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Giữa năm 2020, gia đình anh Kpuih Var (làng Kê, thị trấn Chư Sê) được hỗ trợ 3 con dê sinh sản để tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy

Giữa năm 2020, gia đình anh Kpuih Var (làng Kê, thị trấn Chư Sê) được hỗ trợ 3 con dê sinh sản để tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy

Ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch UBND huyện thì nhận định: Việc thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã phần nào đáp ứng nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. “Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn lồng ghép các nguồn vốn và huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hướng tới việc hoàn thành các tiêu chí về nghèo đa chiều, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới”-ông Mẫn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cũng nhấn mạnh: “Dù nguồn vốn còn hạn chế nhưng hầu hết hộ vay đã biết cách sử dụng, phát huy hiệu quả trong giải quyết việc làm, duy trì và ổn định sinh kế. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để ưu tiên giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Có thể bạn quan tâm