Xã hội

Chư Sê phát huy vai trò tổ hòa giải ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hoạt động của các tổ hòa giải ở huyện Chư Sê thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Những năm qua, thôn Vinh Hà (xã Ia Blang) xảy ra một số vụ mâu thuẫn giữa các gia đình. Theo ông Bùi Hưởng-Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn, hầu hết các vụ việc đều liên quan đến mâu thuẫn gia đình, đất đai, tranh chấp tài sản… Ngay khi vụ việc xảy ra, thành viên trong tổ hòa giải tìm hiểu nắm tình hình; sau đó gặp gỡ các bên, khuyên giải nhằm tránh những vấn đề phức tạp nảy sinh. Cùng với đó, thành viên của tổ phối hợp với cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động các gia đình hòa giải. Đến nay, nhiều vụ việc đã giải quyết xong, tình đoàn kết xóm làng được giữ vững.
Làng Nhã cũng là một trong những điểm sáng của xã Ia Blang về công tác hòa giải. Làng có 120 hộ là người Jrai. Bà Ralan H’Lieu-Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải làng-cho hay: “Người dân gặp bất cứ chuyện gì, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái đến tranh chấp đất đai, bất hòa với nhau đều tìm đến nhờ cán bộ thôn tư vấn, giải quyết. Khi đó, chúng tôi xuống làng xác minh cụ thể từng sự việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bên, từ đó tìm ra nguyên nhân rồi phân tích để mọi người hiểu”.
Người dân trong thôn Vinh Hà (xã Ia Blang) đoàn kết, đồng lòng lắp điện chiếu sáng tại các trục đường liên thôn. Ảnh: Trần Dung
Người dân trong thôn Vinh Hà (xã Ia Blang) đoàn kết, đồng lòng lắp điện chiếu sáng tại các trục đường liên thôn. Ảnh: Trần Dung
Theo ông Nguyễn Viết Quyền-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Blang, toàn xã có 11 tổ hòa giải với trên 80 thành viên. Với phương châm giải quyết thỏa đáng, dứt điểm những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, năm 2021, các tổ đã hòa giải thành công 23 vụ. “Trong những lần họp thôn, chúng tôi đều phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân từ bỏ các tập tục lạc hậu, tiết kiệm chi phí trong ma chay, cưới hỏi để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ đó, sự đồng thuận trong Nhân dân ngày càng cao. Người dân cùng nhau đóng góp xây dựng nông thôn mới như: làm đường giao thông nông thôn, lắp camera an ninh, điện chiếu sáng tại các trục đường liên thôn”-ông Quyền chia sẻ.
Đội ngũ hòa giải viên ở huyện Chư Sê luôn gần gũi, thấu hiểu người dân để giữ bình yên cho thôn làng. Ảnh: Trần Dung
Đội ngũ hòa giải viên ở huyện Chư Sê luôn gần gũi, thấu hiểu người dân để giữ bình yên cho thôn làng. Ảnh: Trần Dung
Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý, là mắt xích quan trọng, xóa tan những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, xã Ia Pal đã xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả 5 tổ hòa giải tại các thôn, làng. “Thành phần tham gia các tổ hòa giải thường có bí thư chi bộ, trưởng thôn, đại diện các đoàn thể,  người có uy tín... Thời gian qua, các tổ đã kịp thời hòa giải nhiều vụ tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh; cơ bản không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý và không dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp”-ông Lê Xuân Thống-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Pal-cho hay.
Huyện Chư Sê hiện có 120 tổ hòa giải ở các thôn, làng với gần 1.200 hòa giải viên. Bà Đinh Thị Thông-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-thông tin: Các vụ việc chủ yếu là tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai, tài sản, hôn nhân gia đình hoặc xích mích trong sinh hoạt hàng ngày ở cộng đồng dân cư. Đội ngũ hòa giải viên cơ sở đều có kiến thức pháp luật, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán và địa bàn dân cư nên có nhiều thuận lợi. Năm 2021, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành công 38 vụ việc. “Công tác hòa giải đã góp phần không nhỏ trong phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương”-bà Thông nhấn mạnh.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm