Kinh tế

Nông nghiệp

Chư Sê phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để nâng cao giá trị nông sản, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đang tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi mới.

Đưa chúng tôi tham quan trang trại hoa hòe rộng 10 ha tại làng U Diếp (xã Kông Htok), ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát-cho biết: Vài năm trở lại đây, hoa hòe khô được các doanh nghiệp phía Bắc thu mua ổn định với giá 120-150 ngàn đồng/kg. Do vậy, cuối năm 2021, tôi mua cây giống từ tỉnh Thái Bình về trồng thử nghiệm trên diện tích 3 ha.

Sau hơn 10 tháng xuống giống, vườn cây phát triển tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên. Với giá bán 120-130 ngàn đồng/kg, bình quân 1 ha cho thu hoạch 4 tấn hoa khô/năm, trừ chi phí thì lãi khoảng 250 triệu đồng. Đây là loại cây thân gỗ, họ đậu được trồng để lấy nụ hoa, nhanh cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao. Đặc biệt, loại cây này ra hoa gần như quanh năm.

Trang trại hoa hòe ở làng U Diếp (xã Kông Htok) của ông Đào Tiến Tình phát triển xanh tốt và cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: N.S

Trang trại hoa hòe ở làng U Diếp (xã Kông Htok) của ông Đào Tiến Tình phát triển xanh tốt và cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: N.S

Cuối năm 2022, ông Tình tiếp tục mở rộng thêm 10 ha hoa hòe. Toàn bộ vườn cây được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và canh tác theo hướng hữu cơ. Hiện trang trại sử dụng 10 lao động tại địa phương để chăm sóc và thu hoạch hoa với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. “Thời gian tới, tôi dự định thuê 40 ha đất ở xã Đê Ar (huyện Mang Yang) để mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến để không bị động vấn đề đầu ra cũng như cung cấp thường xuyên cho đối tác với số lượng lớn sản phẩm”-ông Tình chia sẻ.

Trồng dưa lưới trong nhà lồng cũng là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu tại huyện Chư Sê. Gia đình ông Nguyễn Trọng Tuấn (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) sở hữu 6 nhà lồng (1.000 m2/nhà) trồng dưa với nhiều giống như: Huỳnh Long, King ruột xanh, đài Nasu, dưa lưới mật… Các nhà lồng trồng dưa lưới cho thu hoạch quanh năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình trở nên khá giả, thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với trồng cà phê, hồ tiêu.

“Tôi vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để chăm sóc vườn cây. So với các loại cây trồng khác thì dưa lưới cho thu nhập ổn định hơn, 1 vụ chỉ khoảng 3 tháng, cho thu hoạch 2-3 tấn/sào, thu nhập 50-60 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, tôi đã ký kết với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Nasumi trong bao tiêu sản phẩm”-ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, trồng dâu nuôi tằm là một trong những lĩnh vực sản xuất mới và có nhiều triển vọng tăng thu nhập cho người dân. Ông Trịnh Đình Hóa-Chủ nhiệm Nông hội dâu tằm Chư Sê-cho hay: Nông hội được thành lập năm 2021, đến nay có 200 thành viên canh tác gần 120 ha dâu. Chúng tôi cung ứng đầy đủ thiết bị, vật tư và liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Minh Tuyết (tỉnh Lâm Đồng) trong bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.

Còn anh Nguyễn Hải Dương (thôn Bầu Zút, thị trấn Chư Sê) thì chia sẻ: “Hiện gia đình trồng 8 sào dâu, khoảng 17 ngày nuôi một đợt, mỗi đợt 2 hộp tằm giống, thu được 1,2 tạ kén. Từ đầu năm đến nay, gia đình thu nhập gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó còn có doanh nghiệp cung cấp giống và thu mua sản phẩm nên gia đình yên tâm sản xuất”.

Mô hình trồng bắp sinh khối trên diện tích đất trồng lúa bị khô hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Bờ Ngoong. Ảnh: Ngọc Sang

Mô hình trồng bắp sinh khối trên diện tích đất trồng lúa bị khô hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Bờ Ngoong. Ảnh: Ngọc Sang

Triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 11-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, hàng năm, huyện Chư Sê đã huy động, lồng ghép các dự án và bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có trên 1.514 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 4% tổng diện tích gieo trồng (tăng 2% so với năm 2019).

Song song với việc hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tập trung, huyện cũng tăng cường triển khai các hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 4 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, 3 dự án đang xin ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư, 3 dự án đang nghiên cứu đề xuất triển khai thực hiện. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần tạo bước đột phá cho nông nghiệp của huyện, trở thành lĩnh vực giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cao su, dược liệu, cây ăn quả… tạo được uy tín trên thị trường. Các sản phẩm cây trồng, vật nuôi mới cũng dần khẳng định vị thế.

“Thời gian tới, huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức lồng ghép một số chương trình, dự án, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm như: sầu riêng, mắc ca, nhãn, hồ tiêu, cà phê sạch, bắp sinh khối… nhằm tạo đầu ra ổn định và nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp”-ông Hợp thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm