Các giống lúa được hỗ trợ gồm: An Sinh 1339, BĐR57 và Hương Châu 6 đã được trồng khảo nghiệm trước đó và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực Chư Sê.
Đặc biệt, các giống lúa mới này có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (từ 85 đến 90 ngày), cứng cây, chống đổ ngã, kháng sâu bệnh, chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương, năng suất bình quân đều tăng so với các giống lúa cũ, chất lượng gạo được người dân đánh giá khá cao.
Mô hình ứng dụng giống lúa mới An Sinh 1339 tại cánh đồng Dun Bêu (làng Dun Bêu, thị trấn Chư Sê) trong vụ Đông Xuân 2023-2024 mang lại tín hiệu khả quan. Ảnh: Nguyễn Quang |
Anh Ksor Then (làng Dun Bêu, thị trấn Chư Sê) phấn khởi cho biết: “Tham gia mô hình, mình được hỗ trợ giống, phân bón và được tập huấn kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu hại. Ngoài ra, giống lúa mới này có thời gian sinh trưởng ngắn, chống đổ ngã, kháng được sâu bệnh, chịu hạn tốt…
Với 3 sào lúa, vụ vừa rồi, mình thu được hơn 3 tấn, cao hơn các giống lúa cũ sản xuất trước đó cả tấn; chất lượng gạo mềm dẻo, thơm ngon… Do đó, vụ mùa 2024, mình tiếp tục sử dụng giống lúa An Sinh 1339”.
Theo kế hoạch, vụ mùa 2024, huyện Chư Sê gieo trồng 2.680 ha lúa nước, 720 ha mì, hơn 2.000 ha bắp, hơn 750 ha rau màu các loại, trồng mới 650 ha mía… Đối với cây lúa, huyện khuyến cáo người dân tập trung gieo trồng các giống lúa mới chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương như: HT1, LH12, TBR97, TBR225, An Sinh 1339, BĐR57, Hương Châu 6…
Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày thì ưu tiên sử dụng các giống như: giống bắp Bioseed 9698, CP888, LVN10; giống khoai lang Nhật, Lệ Cần; giống đậu xanh HLĐX6, ĐX.208; giống mì HN5; giống mía LK92-11, KK3, K88-92, K95-84…
Với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Phòng cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn nhằm ngăn chặn các loại giống không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, nhãn mác…
Bên cạnh ươm 100 ngàn cây cà phê giống, Cơ sở cây giống Hoàng Duẩn (thôn 7, xã Ia Blang) còn nhập lượng lớn giống cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm, nhãn… để phục vụ cho người dân sản xuất vụ mùa. Anh Nguyễn Văn Duẩn-Chủ cơ sở-cho biết: “Tất cả cây giống do cơ sở nhập về đều có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt nhất, chuẩn nhất”.
Còn cơ sở ươm cà phê giống của anh Nguyễn Văn Đào (làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê) cũng đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường 30 ngàn cây cà phê giống chất lượng.
“Tất cả số cà phê giống này (chủ yếu giống xanh lùn và TR4) đã phát triển tốt và sẵn sàng cung ứng cho người dân. Các giống cà phê này được tôi đến Viện Eakmat Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) lấy giống về ươm và có hóa đơn, chứng từ rõ ràng”-anh Đào khẳng định.
Vườn ươm cây cà phê giống của anh Nguyễn Văn Đào (bìa phải, làng Tốt Biơch, thị trấn Chư Sê) đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường. Ảnh: N.Q |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-thông tin: Cùng với việc đưa giống mới, chất lượng vào sản xuất, huyện cũng đặc biệt chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh để nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sản xuất IPM, ICM, IPHM, “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… ngay từ đầu vụ; tăng cường bón phân hữu cơ, vô cơ cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; đẩy mạnh cơ giới khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến.
Đồng thời, đẩy mạnh tái canh cà phê; rà soát những diện tích đất trồng mía, mì, điều, hồ tiêu, cao su kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, củ, quả, cây dược liệu và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.