Những ngày qua, mặc dù trời mưa liên tục nhưng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Chư Sê) đã tập trung dọn vệ sinh trường lớp. Tranh thủ nguồn tài trợ hơn 46 triệu đồng từ các cá nhân, tổ chức, nhà trường đã lát 250 m2 gạch blok trước cổng trường nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh đưa đón học sinh trong năm học mới. Đồng thời, nhà trường cũng tiến hành sơn sửa trường lớp; bảo trì, sửa chữa hệ thống điện nước, quạt điện tại các phòng học.
Thầy Đoàn Khánh Tín-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Năm học 2023-2024, toàn trường có 21 lớp với 742 học sinh, trong đó, tuyển sinh mới 133 học sinh đầu cấp, đạt 100%. Để đảm bảo công tác dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường đã chuẩn bị khá chu đáo về lớp học, bổ sung bàn ghế để đáp ứng cho các em lớp 1, 2, 3, 4 học cả ngày. Đồng thời, tổ chức tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho 100% giáo viên lớp 1, 2, 3, 4.
Theo Phó Hiệu trưởng Dương Trọng Dân, hiện Trường THCS Nguyễn Khuyến (thị trấn Chư Sê) đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng cho năm học mới. Ảnh: Q.T |
“Khó khăn nhất hiện nay là chưa có nhà bán trú nên trường chưa thể tổ chức bán trú cho các em học sinh học từ lớp 1 đến lớp 4 học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, nhà trường cũng chưa có nhà đa năng, phòng tư vấn học đường, phòng bồi dưỡng phụ đạo cho học sinh còn phòng tin học thì thiếu máy vi tính… Thực tế đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1”-thầy Tín cho biết thêm.
Năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Khuyến (thị trấn Chư Sê) tuyển 346 học sinh đầu cấp, đạt 100% chỉ tiêu. Phó Hiệu trưởng Dương Trọng Dân cho hay: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn tất. Nhà trường đã tổ chức họp Hội đồng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng chính trị hè, tập huấn chuyên môn cũng như phân công chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
“Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, chưa có nhà đa năng, phòng học bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật... Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của nhà trường hiện nay là phòng tin học hiện chỉ có hơn 10 máy vi tính, không đáp ứng đủ nhu cầu học cho 870 học sinh. Nhà trường đã đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư sớm nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời gian tới”-thầy Dân nói.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thị trấn Chư Sê) đã tiến hành sơn sửa cổng trường, phòng học, lát gạch blok tạo điều kiện cho phụ huynh đưa đón học sinh an toàn. Ảnh: Quang Tấn |
Ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê: Để ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Phòng đã có văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm các đơn vị trường học thu ngoài học phí, nhất là việc thu tiền học sinh đầu cấp khi đi nộp hồ sơ. Các khoản thu xã hội hóa để tăng cường trang-thiết bị phục vụ công tác dạy và học phải được hội đồng sư phạm nhà trường thông qua chủ trương, được phụ huynh học sinh thống nhất cao.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê-cho biết: Năm học 2023-2024, toàn huyện có khoảng 29.660 học sinh ở 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS). Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu mở lớp năm học mới và theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, huyện đã đầu tư gần 9 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất các trường học và 7,5 tỷ đồng để mua sắm bàn ghế, trang-thiết bị dạy học. Đồng thời, Phòng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn huy động 100% trẻ ra lớp. Ngành Giáo dục huyện cũng đã tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn, tìm hiểu các nội dung chương trình giáo dục mới bằng nhiều hình thức. Trong đó, ưu tiên đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy và học tập, ứng dụng công nghệ thông tin.
“Bên cạnh đó, Phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức cho học sinh thi lại, biên chế lớp học, phân công chuyên môn và thời khóa biểu, chuẩn bị mọi điều kiện để ổn định nền nếp dạy và học. Tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường trực thuộc theo kế hoạch cụ thể của từng bậc học và hoàn thành trước ngày 25-8. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện trong năm học mới vẫn là tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng học để thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với bậc mầm non và tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 4)”-ông Hoàng thông tin thêm.