Điểm đến Gia Lai

Chư Sê tổng kết cuối vụ mô hình trồng cỏ cao lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 16-12, tại làng Pa Pết (xã Bờ Ngoong), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư sê (tỉnh Gia Lai) tổ chức tổng kết cuối vụ mô hình trồng cỏ cao lương chuyển đổi trên đất bị hạn và ủ chua làm thức ăn cho gia súc.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trúc Phùng
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trúc Phùng


Năm 2022, mô hình trồng cỏ cao lương chuyển đổi trên đất bị hạn và ủ chua làm thức ăn cho gia súc được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp cùng 3 xã: Bờ Ngoong, Ia Ko, Al Bá triển khai với tổng quy mô thực hiện là 1,2 ha. Trong đó, xã Bờ Ngoong có 5 hộ tham gia với tổng diện tích 0,5 ha; xã Ia Ko có 2 hộ tham gia với tổng diện tích 0,2 ha, Al Bá có 5 hộ tham gia với tổng diện tích 0,5 ha. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện hơn 146 triệu đồng (bao gồm hạt giống, phân bón, cám bắp).

Kết quả, sau 5-6 tháng, cây cao lương cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt được 45 tấn cỏ/ha. Các lứa sau, cứ trung bình khoảng hơn 30 ngày sẽ tiếp tục được thu hoạch. Một năm thu hoạch trung bình khoảng được 7-10 lứa, ước tính thu được từ 315-450 tấn cỏ/ha. Giống cỏ cao lương phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, có vị ngọt, bề mặt lá không có lông nên gia súc rất thích ăn. Khi sử dụng cỏ ủ làm thức ăn, tăng tính ngon miệng, phàm ăn, gia súc tăng cân rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cho ăn thức ăn xanh truyền thống.

Mô hình trồng cỏ cao lương chuyển đổi trên đất bị hạn và ủ chua làm thức ăn cho gia súc có hiệu quả “kép”, vừa chủ động được nguồn thức ăn thô xanh phục vụ cho phát triển đàn gia súc, tránh được những rủi ro đáng tiếc như bò ăn phải thức ăn kém chất lượng, không an toàn. Đồng thời trồng cỏ kết hợp nuôi bò, dê tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ để chăm bón, nâng cao năng suất cho cỏ cũng như khai thác hiệu quả diện tích đất thường xuyên bị hạn.

Mô hình trồng cỏ cao lương chuyển đổi trên đất bị hạn và ủ chua làm thức ăn cho gia súc năm 2022 thành công, tạo điều kiện cho người dân huyện Chư Sê chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

 

TRÚC PHÙNG
 

Có thể bạn quan tâm