TN - Đất & Người

Chư Sê xây dựng nông thôn hiện đại và phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nông thôn là môi trường sống của đại đa số nông dân và là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Xây dựng nông thôn mới trong từng thời kỳ là vấn đề luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị
Xã Al Bá nằm về phía Đông và cách trung tâm huyện Chư Sê 12 km, diện tích tự nhiên hơn 2.713 ha, dân số 5.316 người, lực lượng lao động dồi dào chiếm 59,6% số dân toàn xã. Ngành nông nghiệp đem lại việc làm và thu nhập cho đại đa số nông dân trong xã nhưng tiềm năng kinh tế nông nghiệp, nhất là đối với cây công nghiệp dài ngày vẫn chưa được khai thác triệt để.
 
Chính vì vậy, trong mục tiêu chung trong đề án xây dựng nông thôn mới của xã Al Bá đến năm 2015 là kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày được nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, có hình thức sản xuất tiên tiến, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ.
Từ nay đến cuối giai đoạn thực hiện đề án, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã theo tiêu chí mới giảm 3%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ tương ứng với tỷ lệ 80%-12% và 8%. Mạng lưới giao thông nông thôn đảm bảo chất lượng, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn với 11 thôn làng đạt văn hóa, rút ngắn khoảng cách về mọi mặt giữa nông thôn và thành thị.
Ông Đinh Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Al Bá cho biết: Trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện, đánh giá tổng thể tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh chính trị để lập dự án đầu tư và triển khai đúng tiến độ. Trong năm 2011, Ban Chỉ đạo ưu tiên tập trung xây dựng chợ nông thôn mới tại trung tâm xã. Al Bá là một trong 2 xã của huyện Chư Sê được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (Al Bá và Hbông).
Nhằm thực hiện mục tiêu chương trình, lãnh đạo xã Al Bá xác định phải tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Làm cho người dân thấy rõ trách nhiệm, tham gia chương trình và lợi ích của nông dân đạt được khi chương trình có kết quả. Đồng thời tập trung đánh giá, đề xuất một số đổi mới cơ chế, chính sách để người dân tự ý thức có trách  nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả đã đề ra.
Để các xã vùng sâu, vùng xa phát triển
Xã Ayun, huyện Chư Sê là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, nhân dân Ayun luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng trung thành với Tổ quốc. Được sự quan tâm của các cấp, Ayun bước đầu đã ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mặc dù vậy, đến nay Ayun vẫn là xã khó khăn về nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao chiếm 81,77%. Giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn, bất lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với làng Kpaih người dân muốn ra trung tâm xã phải qua sông Ayun bằng bè rất nguy hiểm.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Ayun. Ảnh: Bội Ngọc
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Ayun. Ảnh: Bội Ngọc
Từ những thực tế trên, năm 2011, từ nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) trên 10 tỷ đồng, UBND huyện Chư Sê quyết định đầu tư đường giao thông nông thôn, cầu dân sinh xã Ayun. Đây là công trình đáp ứng nguyện vọng của người dân 4 thôn, làng Kpaih, Keo, Trưng và Pă Peng gồm 143 hộ với 674 nhân khẩu, chiếm gần 30% dân số toàn xã. Công trình đường giao thông nông thôn có chiều dài 4km, nền đường rộng 6 mét, mặt đường rộng 3,5 mét, đường bê tông xi măng. Trên đường có 1 cầu treo dân sinh dây mềm bán vĩnh cửu dài 88 mét, khổ cầu 2,5 mét, tải trọng 2,5 tấn.
Đầu tư xây dựng các công trình dân sinh này đã giải quyết được vấn đề giao thông 2 mùa mưa nắng, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã. Anh Đinh Ying, ở làng Keo vui mừng nói: Từ trước đến nay, người dân chúng tôi muốn ra trung tâm xã, vận chuyển nông sản phải vượt suối khó khăn. Vất vả nhất là bọn trẻ con đi học ngoài trung tâm xã, trời nắng còn đỡ chứ mùa mưa đi lại rất nguy hiểm. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư đường điện, trường học đã đầy đủ dân làng mình mừng lắm.
Ông Dương Mạnh Mẫn- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công trình đường, cầu dân sinh sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế của khu vực 4 xã vốn giàu tiềm năng nhưng chưa có điều kiện khai thác. Đặc biệt là giúp cho người dân đi lại, giao lưu thuận lợi”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự đầu tư từ nhiều nguồn vốn với các hợp phần khác nhau sẽ tạo động lực cho các xã vùng sâu, vùng xa phát triển bền vững trong tương lai.
Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm