Điều gì khiến giá cổ phiếu VCB cao gấp 3 lần ngân hàng khác? Có phải Vietcombank giấu lãi trong năm 2020? Vì sao dự phòng bao nợ xấu cao kỉ lục 380%? Chủ tịch HĐQT Vietcombank thẳng thắn trả lời những vấn đề nóng mà nhà đầu tư quan tâm và đồng thời tiết lộ lợi nhuận của ngân hàng trong quý I/2021 ước đạt 7.000 tỉ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank. Đồ hoạ: LH |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCB của Vietcombank được xếp vào hàng cổ phiếu Bluechip, vốn hoá lớn trên thị trường. Chốt phiên giao dịch ngày 3.4.2021, giá VCB ở mức 97.800 đồng/cổ phiếu. VCB hiện là cổ phiếu có giá cao nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam.
Vì sao giá cổ phiếu VCB cao gấp 3 lần ngân hàng khác?
Trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Xuân Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết: “Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất tinh. Người ta đầu tư bằng tiền của mình nên “của đau con xót”.
Nói về tăng trưởng của ngân hàng, các chuyên gia sẽ nhìn vào nội hàm tăng trưởng đến từ đâu. Vì sao giá cổ phiếu VCB cao ngất ngưởng, lợi nhuận năm vừa rồi của Vietcombank không tăng mà giá cổ phiếu cao gấp 2-3 lần ngân hàng khác?
2 Đồ thị giá cổ phiếu VCB trong thời gian qua. Ảnh chụp màn hình
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, nói đến Vietcombank là nói đến 3 trụ cột chính. Đó là trụ cột tiền gửi giá rẻ, bán lẻ, và thu dịch vụ.
Với trụ cột đầu tiên, Vietcombank có nguồn tiền giá rẻ quy mô lớn nhất hệ thống, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ngày càng tăng.
Về trụ cột thứ 2, từ năm 2013 Vietcombank đặt mục tiêu đứng đầu bán lẻ. Vào thời điểm ấy, ngân hàng đang có thế mạnh về bán buôn. Đến nay, tỉ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ đã tăng lên 54%.
Trụ cột thứ 3 là thu dịch vụ, thu ngoài lãi phi tín dụng khoảng 35% trong đó thu dịch vụ tính đến thời điểm hiện tại khoảng 26%.
Vietcombank đã giấu lãi năm 2020 vào đâu?
Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết “Năm 2020 là kỉ lục của Vietcombank và cũng là kỉ lục của ngân hàng Việt Nam khi dự phòng bao nợ xấu lên tới 380%, tương đương với việc cứ 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng trích lập dự phòng. Đây là điều chưa từng có.
Câu hỏi đặt ra: “Có phải Vietcombank giấu lãi và giấu vào đâu?”
Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết ngân hàng đã hạch toán đúng. Việc trích lập dự phòng theo Thông tư 02 quy định tỉ lệ loại trừ tài sản tối thiểu và tối đa. Ví dụ với bất động sản được loại trừ 35%, tức là có 100 đồng dư nợ xấu thì tài sản bảo đảm được loại trừ 35 đồng. Nhưng vì quy định chỉ nói tối đa, nên không khống chế về tối thiểu, Vietcombank đưa con số này về 1-2%. Máy móc thiết bị đưa về bằng 0. Vietcombank có đồng nào đều trích lập dự phòng hết.
Dự phòng chung theo quy định là 0,75% trên tổng dư nợ.
Vietcombank có 1 số khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 01. Thậm chí, Vietcombank có những khoản được cơ cấu theo chính sách Nhà nước. Ví dụ khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 và Vietnam Airlines không phải trích lập dự phòng nhưng ngân hàng vẫn dự phòng. Vietcombank trình Chính phủ cho phép Vietcombank và Vinafood 1 chủ động trích lập dự phòng trên cơ sở kế hoạch tài chính của ngân hàng.
"Quy định chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, cơm không ăn gạo còn đó, điều này an toàn cho ngân hàng, đúng thông lệ quốc tế", ông Thành nói.
Lợi nhuận của ngân hàng trong quý I/2021 ước đạt 7.000 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm trước, con số này cao hơn 34% và bằng 28% kế hoạch cả năm (25.200 tỉ).
Chủ tịch HĐQT Vietcombank còn tiết lộ ngân hàng còn có "của để dành" khác như khoản lợi nhuận trích dần từ thoả thuận bảo hiểm với FWD, cộng khoản thoái vốn ở MB, Eximbank chưa thực hiện.
Theo Lan Hương (LĐO)