Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chú trọng năng lực, sở thích khi chọn nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chạy theo phong trào, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn cho mình một hướng đi đang được xem là phù hợp và đúng đắn: học nghề mình yêu thích, đúng với năng lực, sở trường của bản thân.

Sự thay đổi này xuất phát từ quyết định đặt việc chọn nghề lên trước chọn ngành, chọn trường. “Lâu nay, nhiều phụ huynh và học sinh làm ngược lại nguyên tắc chọn nghề nghiệp khi chọn trường, chọn ngành rồi mới chọn nghề nên đã xảy ra tình trạng mỗi năm có hàng ngàn sinh viên phát hiện ra mình không phù hợp với ngành học dẫn đến chán nản, bỏ bê”-ông Trần Đình Lý-Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh)-đơn vị có phân hiệu tại Gia Lai, cho biết.

 

Xu hướng chọn học nghề đang gia tăng. Ảnh: Đức Thụy
Xu hướng chọn học nghề đang gia tăng. Ảnh: Đức Thụy

Chọn nghề phù hợp

“Qua theo dõi việc đăng ký ngành học, trường học của học sinh khối 12 trong vài năm trở lại đây, có thể thấy các em cơ bản đã có sự thay đổi trong việc chọn nghề nghiệp. Những nghề liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (dược, điều dưỡng, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học phục vụ nông-lâm nghiệp công nghệ cao...) được nhiều em lựa chọn. Năm nay, những ngành nghề liên quan đến kinh tế, sư phạm lại rất ít học sinh theo đuổi. Với những học sinh có học lực khá, trung bình thì các em có xu hướng chọn học cao đẳng nghề với những công việc như: đầu bếp, lễ tân, pha chế...”-thầy Nguyễn Hải Hà-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) phân tích.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), học sinh cũng bắt đầu có những xu hướng chọn nghề mới. Đó là những nghề dễ kiếm sống, thực tế, phù hợp xu thế phát triển của xã hội. Đặc biệt, nhiều em đã chọn đi du học tự túc tại Nhật Bản, Hàn Quốc để thử thách bản thân đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển. “Sự thay đổi tích cực này không chỉ ở học sinh mà còn đến từ các bậc phụ huynh. Hiện nay, phụ huynh không còn quá nặng nề áp đặt mà bắt đầu tôn trọng quyết định, sở thích của các em. Rất nhiều học sinh có học lực khá-giỏi nhưng bố mẹ vẫn hài lòng khi các em chọn theo học cao đẳng nghề”-thầy Cao Xuân Hà-Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), nói.

Yêu thích thời trang và cảm thấy hứng thú với công việc cắt may, thêu thùa, em Trần Bảo Hân (Trường THPT Pleiku) quyết định đi học thêm về thiết kế thời trang tại Trường Cao đẳng Nghề. “Tìm hiểu thấy ngành thiết kế thời trang có nhiều cơ hội nên em quyết định theo đuổi. Ngoài sự yêu thích, đó còn là công việc phù hợp với khả năng của em”-Hân bày tỏ.

Áp dụng đúng nguyên tắc chọn nghề nghiệp

Bên cạnh xu hướng chọn học nghề đang gia tăng thì phần đông học sinh vẫn khát khao chinh phục giấc mơ đại học. Tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê), số học sinh đậu vào các trường đại học hàng năm chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Hùng Vương và một số trường THPT tại TP. Pleiku. Năm nay, số học sinh có nguyện vọng vào các trường đại học của trường này vẫn rất cao.

Nắm chắc nguyên tắc chọn nghề nghiệp nên em Trần Ngọc Minh (lớp 12B2, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) cảm thấy rất tự tin với lựa chọn của mình và sẵn sàng chinh phục giấc mơ đại học. Minh nói: “Em rất thích ô tô, cũng rất thích vận động, sáng tạo nên đã quyết định chọn học ngành Công nghệ ô tô chuyên về lắp rắp và chọn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh để đăng ký nguyện vọng. Em nghĩ rằng được học một nghề hoặc làm một công việc phù hợp sở trường thì sẽ không bao giờ nhàm chán và thành công sẽ tới”.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp vì không chọn đúng ngành nghề phù hợp nên dẫn đến tâm lý chán nản, bỏ bê việc học hành tại chính ngôi trường đại học mà các em mong muốn được theo học. “Tại Phân hiệu Gia Lai của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, hàng năm cũng có những sinh viên bị buộc thôi học vì nghỉ quá thời gian quy định, điểm số không đạt... Nguyên nhân chủ yếu là các em cảm thấy không phù hợp và không yêu thích ngành học”-bà Nguyễn Thị Thu-Trưởng ban Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, cho biết thêm.

 

Ông Trần Đình Lý-Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh: “Dù học nghề hay đại học, các bạn hãy theo nguyên tắc: Đầu tiên phải xác định nghề nghiệp phù hợp, yêu thích. Sau đó tìm hiểu xem ngành học nào đáp ứng nhu cầu xã hội. Và sau cùng là chọn trường đào tạo ngành học có chất lượng, uy tín với nhà tuyển dụng”.

Theo thống kê của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, gần 1.000 sinh viên (chiếm gần 5% tổng số sinh viên toàn trường) bị buộc thôi học vì không chịu học hành, không hoàn thành các kỳ thi, bị cảnh cáo 3 lần liên tục. “Trung bình mỗi năm, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có khoảng hơn 500 sinh viên bị cảnh cáo học vụ dẫn đến bị buộc thôi học. Đây là việc không ai muốn nhưng vì chất lượng đầu ra và uy tín đào tạo của nhà trường nên chúng tôi buộc phải xử lý”-ông Trần Đình Lý cho biết. Cũng theo ông Lý, đó cũng là lý do hàng năm nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh buộc phải cho hàng trăm sinh viên thôi học.

Theo Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), hiện nay, không ít sinh viên chọn sai nghề. Nguyên tắc của chọn nghề là phải lấy sở trường của bản thân làm gốc chứ không phải chọn nghề theo hiệu ứng đám đông hay chạy theo thị trường lao động. Nhiều sinh viên học đến năm 3 mới xin nghỉ để đi học nghề vì đến lúc này mới phát hiện mình không có sở trường, không yêu thích ngành đang học. “Nếu chọn một nghề không phải sở trường, không có năng lực và không có cả niềm đam mê thì nghề sẽ bỏ bạn trước khi bạn bỏ nghề. Do đó, tôi khuyên các em hãy có sự lựa chọn phù hợp để tránh bị đào thải ngay trên giảng đường đại học”-ông Lý nói.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm