(GLO)- Đó là chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh Gia Lai tại Công văn số 1248/UBND-NL. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng giống thủy sản bố mẹ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ thời hạn cho sinh sản theo quy định.
Khảo sát tiềm năng phát triển ngành thủy sản tại các hồ thủy điện. Ảnh: T.N |
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất và chất lượng đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất. Kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi, duy trì mực nước ao nuôi thích hợp, sử dụng quạt nước để hạn chế chênh lệch nhiệt độ nước giữa ngày và đêm, điều kiện thời tiết thay đổi. Tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Rà soát đánh giá tiềm năng lợi thế của địa phương, phối hợp với cơ quan chuyên môn khuyến khích phát triển nuôi, tiêu thụ các loại thủy sản bản địa có giá trị kinh tế...
Mặt khác, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người nuôi giải pháp xử lý chất thải, khai thác và sử dụng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về xử lý chất thải và khai thác nước ngầm trái phép.
THANH NHẬT