Sống trẻ - Sống đẹp

'Chưa bao giờ biết sắm Tết, nhà có gì các con ăn nấy'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ vào ngôi nhà bề bộn không buồn dọn dẹp, đồ đạc vương vãi khắp, ông Học cho biết, thương tình, hàng xóm, người thân đã góp tiền xây cho ông một căn nhà cấp 4 bằng gạch để ở. Trong căn nhà nhỏ ấy, chẳng có một tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và hai chiếc xe đạp cà tàng.
“Hạnh phúc chẳng tày gan” của chuyện tình ‘chú cháu’ kém nhau 43 tuổi
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, từng đợt gió mạnh thốc vào ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Ngô Thanh Học (79 tuổi) ở thôn Ngô Khêm, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, Hà Nam. Ông Học dò dẫm bước từng bước chầm chậm vào nhà. Ít ai biết rằng ông là người chồng hơn vợ 43 tuổi gây xôn xao vùng quê này.
 
Ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng nơi vợ chồng ông Học cùng 3 người con nhỏ sinh sống.
Ông Học vừa rót nước vừa tiếp khách cũng là lúc vợ ông - chị Bích, vội vã đạp xe đạp mang bát cơm sang nhà bà ngoại để cho người con gái thứ 3 năm nay 2 tuổi ăn. Biết chúng tôi đến để hỏi về đám cưới của mình, ông Học không ngần ngại tâm sự. Chính ông từng khiến người dân vùng quê chiêm trũng Hà Nam náo động trước đám cưới của ông lão 70 tuổi với cô gái 27. Đến nay, chuyện tình “chú - cháu” này vẫn khiến dân làng bàn ra tán vào mỗi khi nghĩ lại.
Ngồi trên chiếc ghế cũ được chắp vá, ông Học kể, thời trai trẻ ông từng tham gia chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, sau đó lang bạt khắp các tỉnh phía Nam. Những năm 1990 ông quay trở về quê nhà và sống trong căn nhà lá lụp xụp cha mẹ để lại. Tuổi đã cao, gia cảnh lại nghèo nên không có người phụ nữ nào ngó đến nên ông Học không bao giờ dám ao ước.
 
Ông Học ngồi kể về cuộc đời mình.
Cuộc đời ông Học cứ lủi thủi như vậy cho tới một ngày tháng 6/2010 thì duyên đến bất ngờ theo cách ông không thể tưởng tượng nổi. Trong làng có cô gái tên Bích khi ấy 27 tuổi nhưng chưa chồng.
Chị Bích thấy ông Học sống một mình, hay đau ốm nên thi thoảng tiện đường ghé thăm. Họ dần trở nên thân thiết và hiểu nhau hơn và rồi cả hai tiến đến hôn nhân vào năm 2010, cô dâu lúc đó mới 27 còn chú rể thì đã 70 tuổi. Nghe tin này, người thân, hàng xóm đều ra sức phản đối.
“Lúc đó, họ hàng hai bên phản đối, hàng xóm điều tiếng nhiều lắm, họ nói thẳng với vợ tôi rằng lấy cái thằng già đó về làm gì, có sinh con đẻ cái được gì không. Nhưng chúng tôi đều bỏ ngoài tai, quyết định làm đám cưới”, ông Học nói.
 
Bức ảnh cưới ông Học chụp cùng người vợ kém 43 tuổi của mình.
Ngày ấy Bích làm công nhân may, vốn lành lặn, ưa nhìn, cũng có người theo đuổi. Thế nhưng chị kiên quyết đòi lấy ông Học bằng được nên người thân đành phải chấp thuận. Họ đăng ký kết hôn. Đến tháng 8/2010, tức chỉ khoảng một tháng thân thiết, ông Học tổ chức lễ cưới đón chị Bích về chung một nhà. Ngày cưới ông chuẩn bị được 20 triệu đồng tổ chức cỗ tại nhà, khách mời chừng 70 người.
Vượt qua bao dị nghị, họ ở bên nhau như vậy cho tới năm 2013 chị Bích mang thai và sinh được cặp sinh đôi (một trai, một gái). Hai bé tên Tiên và Thu sinh non nên hay ốm vặt. Suốt những năm các con còn bé, cặp vợ chồng lệch tuổi thường phải ôm con ra bệnh viện huyện, rồi tỉnh, có lần lên một phòng khám trên Phú Xuyên (Hà Nội) chữa trị.
Ốm không dám nằm viện phải vội về chăm sóc cho các con
Tuổi đã cao lại hay ốm yếu nên ông Học không làm thêm công việc gì kiếm tiền. Chị Bích thì ở nhà chăm con cũng không công việc ổn định. Chính vì thế con ốm đau vợ chồng ông chỉ biết cậy nhờ người thân và tận dụng số tiền trợ cấp thương binh hơn 1 triệu đồng mỗi tháng của ông để lo liệu mỗi lần con đi viện.
 

Căn nhà bề bộn không vật dụng gì đáng giá của vợ chồng ông Học

 

Quần áo vương vãi không buồn dọn dẹp.

 
Đây là phòng ngủ vợ ông Học cùng 3 người con.
Tới năm 2016, chị Bích lỡ mang bầu lần 2. Gánh nặng cuộc sống đến lần này càng nặng trĩu. Đến nay đứa con thứ 2 cũng đã được 2 tuổi. Do tuổi ông đã cao nên thường xuyên gửi con sang cho ông bà ngoại chăm sóc.
“Tuổi tôi đã cao giờ các con đang tuổi ăn, tuổi học. Thế nhưng giờ biết làm thế nào được cứ phải gắng gượng lo cho các con. Giờ hai đứa lớn tiền học, tiền ăn hết 700.000 đồng mỗi tháng, còn đứa bé thì vẫn ở nhà với bố mẹ, ông bà ngoại”, ông Học thều thào.
 
Vợ ông Học đang nấu cháo mang sang bà ngoại cho người con gái 2 tuổi.
Chỉ vào ngôi nhà bề bộn không buồn dọn dẹp, đồ đạc vương vãi khắp, ông Học cho biết, thương tình, hàng xóm, người thân đã góp tiền xây cho ông một căn nhà cấp 4 bằng gạch để ở. Trong căn nhà nhỏ ấy, chẳng có một tài sản đáng giá nào ngoài chiếc ti vi cũ và hai chiếc xe đạp cà tàng. Hai bên nhà, đồ đạc để ngổn ngang, luộm thuộm, quần áo cũ vương vãi khắp nơi. Mấy ngày qua rét mướt khiến các con ông Học bị ốm.
Nhớ lại cái Tết vừa qua, ông Học bảo nhà cũng không sắm sửa gì có sao dùng vậy, bánh chưng có năm gói năm không. Các con thì mặc quần áo cũ được mọi người cho chứ vợ chồng ông cũng không có điều kiện để sắm sửa.
 
Theo ông Học, Tết có gì dùng nấy, cũng không có điều kiện sắm sửa quần áo cho các con.
“Cuộc sống thường ngày đã chật vật rồi Tết cũng như ngày thường thôi. Tuy nhiên, Tết cũng có cân giò cho vợ con, còn bánh chưng thì mọi người trong họ hàng mang tới biếu nên hai năm nay tôi không gói, tiết kiệm được đồng nào cho các con cái học hay đồng đó”, ông Học tâm sự.
Ở cái tuổi thất thập, mắt mờ chân yếu, lại hay ốm đau nhưng nhiều khi ông Học không dám đi bệnh viện. “Nghĩ đi bệnh viện nhiều khi tốn kém, khi nào sức khỏe mình quá yếu tôi mới phải đi viện. Thế nhưng ốm yếu mấy tôi cũng cố gắng xin về sớm để về nhà còn về chăm sóc cho các con. Giờ 4 mẹ con nó ở một phòng trong buồng, còn tôi nằm bên ngoài. Khi nào con ốm đau thì tôi vào đỡ đần vợ”, ông Học kể.
Người vợ trẻ từng ân hận vì lấy chồng chênh lệch quá nhiều tuổi
Sống trong cảnh túng quẫn, suốt ngày lo chăm con, chăm chồng ốm đau bệnh tật khiến chị Bích có phần chán nản. Người phụ nữ này trải lòng: “Vì bọn nhỏ nên chúng tôi mới cố sống với nhau. Giờ đã vậy, tôi có ước giá không lấy ông ấy, thời gian cũng không quay trở lại. Nếu lường hết được thì đã không cưới”.
 
Gần 80 tuổi ông Học có nỗi lo tương lai của các con sau này khi mình đã gần đất xa trời.
Sâu thẳm trái tim người phụ nữ này biết rõ chồng đã ở tuổi gần đất xa trời không thể giúp đỡ nhiều, mọi việc trong nhà giờ chỉ mình chị gánh vác từ chăm con tới mọi việc trong nhà. Điều này khiến chị Bích buồn bã, chán nản và thừa nhận nhiều lúc muốn buông xuôi.
Sớm mất bố, chị ở cùng với người mẹ tàn tật, tháng hưởng mức trợ cấp 300 ngàn đồng, bản thân chị cũng bị dị tật ở chân, từ nhỏ sống trong cảnh nghèo khổ. Cuộc sống của chị giờ vẫn khó khăn như ngày trước, thế nhưng nỗi lo về tương lai của 3 người con sẽ như thế nào càng khiến chị thêm buồn.
 
Chị Bích hiện đang phải lo cho 3 con nhỏ cùng người chồng già nay ốm mai đau.
“Tôi không muốn nói gì về chuyện cưới xin nữa, vì nói giờ cũng không giải quyết được điều gì, giờ cũng phải cố gắng lo cho các con thôi. Cũng may thời gian qua, hàng xóm người ta thương tình, có giúp đỡ gia đình, rồi lễ Tết chính quyền địa phương hỗ trợ một ít gạo, tiền để trang trải”, chị Bích nói.
Giờ đây, vì con ốm đau, lại còn nhỏ nên chị Bích cũng không đi làm thêm gì. Cuộc sống tạm bợ của gia đình họ cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày. Tiễn biệt khách, ông Học bảo: “Giờ gần hết đời rồi tôi sống sao cũng được chỉ sợ một ngày khi mình không còn nữa không biết vợ con sẽ ra sao”.
Định Nguyễn (Saostar)

Có thể bạn quan tâm