Thời điểm này, ngoại trừ học sinh lớp 9 và lớp 12 đang hối hả ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thì hầu hết học sinh ở các bậc học đã hoàn thành đợt kiểm tra cuối học kỳ 2, chuẩn bị tổng kết và bước vào kỳ nghỉ hè. Dường như đến hẹn lại lên, câu chuyện chưa nghỉ hè đã lo đến việc học hè lại diễn ra.
Dù các con chưa chính thức nghỉ hè, nhưng những ngày qua, nhiều phụ huynh đã xôn xao bàn bạc, chạy đôn chạy đáo tìm lớp, tìm thầy để cho con đi học thêm trong hè. Trên các trang mạng xã hội cũng có nhiều bài viết chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của bậc cha mẹ về vấn đề này. Thậm chí, có những gia đình đã kịp xây dựng lịch hè kín mít cho con em của mình với các khóa học thêm ngoại ngữ, Toán, Văn, các môn năng khiếu.
Câu chuyện “mỗi năm đến hè lại đi học hè” không mới, nhưng dường như chưa bao giờ cũ và luôn có nhiều ý kiến tranh luận.
Hãy để con trẻ được vui chơi để có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Ảnh: TH |
Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục thì cho rằng, kỳ nghỉ hè là dịp để học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội nhằm lấy lại năng lượng sau một năm học kéo dài căng thẳng và chuẩn bị cho hành trình mới trong năm học tiếp theo. Thế nhưng, trên thực tế vì nhiều lý do mà kỳ nghỉ hè đã trở thành kỳ học thứ ba của rất nhiều học sinh.
Theo khung chương trình năm học, kỳ nghỉ hè của học sinh sẽ bắt đầu từ ngày 1/6 và kéo dài đến trước lễ khai giảng năm học mới. Vì vậy, nhiều phụ huynh lo lắng con nghỉ lâu sẽ quên kiến thức và hè chính là khoảng thời gian lý tưởng cho việc bồi dưỡng, củng cố những kiến thức hổng ở trên lớp. Không ít bậc cha mẹ thì có tâm lý sợ con mình “không theo kịp chúng bạn”, bị tụt hậu nên phải gửi con đi học trước chương trình năm học mới. Cũng có những gia đình vì mong muốn con đạt thành tích cao trong học tập nên cũng cho con đi học thêm để nâng cao kiến thức. Vậy nên, không chỉ có học sinh trung bình ngay cả học sinh khá, giỏi cũng “tích cực” đi học thêm trong dịp hè.
Bên cạnh đó, một trong những lý do không thể không nhắc tới đó là mùa Hè học sinh được nghỉ học, nhưng phụ huynh vẫn phải đi làm, con trẻ ở nhà không ai quản lý. Vì thế, có không ít người gửi con đến học tại các lớp học thêm đơn giản chỉ là kiếm chỗ… trông nom để tránh những nguy cơ về tai nạn, thương tích; nhất là để con tránh xa các thiết bị điện tử và mạng xã hội. Bởi, ở thành phố, nếu không đi học thì phần lớn thời gian các con ở nhà cũng chỉ làm bạn với ti vi, điện thoại thông minh, máy tính. Trong khi việc trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt. Đặc biệt, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm như nghiện game, truy cập vào những trang Web xấu, độc hoặc bị dụ dỗ, tấn công trên môi trường mạng.
Để học sinh không bị “bớt xén” thời gian nghỉ hè, thời gian qua, ngành Giáo dục đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Thế nhưng, thực tế, hoạt động này vẫn diễn ra phức tạp không chỉ trong thời gian nghỉ hè và ngay cả trong năm học.
Tất nhiên, việc học thêm này đều xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của mỗi phụ huynh, học sinh. Mỗi gia đình, mỗi phụ huynh luôn mong muốn và cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Tuy nhiên, có lẽ các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức về chuyện học, hạn chế ép con học thêm văn hóa vào dịp hè. Nên chăng thay vào đó là học các môn năng khiếu, thể thao, phát triển kỹ năng bản thân để các em có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn trang bị được các kỹ năng cần thiết.
Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy hè của giáo viên, cơ sở cũng nên hướng đến các hoạt động đúng với yêu cầu của kỳ nghỉ hè để mang lại niềm vui cho các em và sự an tâm cho gia đình.