TN - Đất & Người

Chung tay “giữ hồn” nhà rông truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, nhà rông là “trái tim” của làng, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống được bà con ra sức gìn giữ, phát huy.

Tỉnh ta hiện có 7 cộng đồng DTTS tại chỗ, nhưng chỉ có 6 cộng đồng có nhà rông là Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié - Triêng, Brâu, Rơ Măm (riêng người Hrê không có nhà rông). Nhà rông của mỗi dân tộc khác nhau về kết cấu, diện tích, dáng vẻ, nhưng chung quy đều là những căn nhà to, bề thế, uy nghiêm, sừng sững tại vị trí trung tâm làng, là biểu tượng cho sức mạnh, niềm kiêu hãnh của cộng đồng.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, nhà rông nhánh Rơ Ngao của người Ba Na thuộc một trong những nhà to cao, bề thế nhất với bề rộng thường từ 6m, ngang từ 12m và cao từ 14m trở lên. Tại thành phố Kon Tum có thể kể đến nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi), nhà rông Kon Kơ Tu, Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa), ở huyện Đăk Hà có nhà rông Kon Gung (xã Đăk Mar).

Nhà rông là “trái tim” của làng, nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng quan trọng. Ảnh: H.T

Nhà rông là “trái tim” của làng, nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng quan trọng. Ảnh: H.T

Còn với nhánh Jơ Lâng (dân tộc Ba Na), kết cấu nhà rông thường có chiều ngang vượt trội, có thể lên đến 25m, tiêu biểu như nhà rông làng Cheo Leo (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy).

Đối với cộng đồng Gia Rai, nhà rông thường nhỏ hơn về quy mô, kích cỡ so với nhà rông của người Ba Na. Còn về tổng thể mang dáng vẻ khá giống nhau, như nhà rông làng Rắc (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy), làng Plei Jơ Drơp (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) thường có cầu thang đi lên từ 2 bên với các cây gỗ nguyên khối có đẽo thành các bậc, hướng chính diện có thể có thêm cầu thang dành riêng cho già làng, thầy cúng sử dụng trong các nghi lễ.

Xét về độ cao gầm sàn, nhà rông của người Ba Na, Gia Rai là cao nhất, thường từ 1,6 - 2,2m; còn đối với dân tộc Xơ Đăng (huyện Đăk Tô), dân tộc Gié - Triêng (huyện Đăk Glei) chỉ cao hơn mặt đất từ 0,5-0,8m. Hoặc như nhà rông của người Ba Na, Gia Rai có vách kín lên giáp mái, bên trong không nhìn ra ngoài được. Còn nhà rông của dân tộc Gié - Triêng thường thiết kế có khoảng trống giữa vách với mái nhà, người đứng bên trong nhìn được ra bên ngoài. Nhà rông của dân tộc Gié - Triêng ở các làng Dục Nhầy, Nông Nội, Đăk Răng (huyện Ngọc Hồi) và làng Nú Vai (xã Đăk Kroong), làng Măng Lon (xã Đăk Môn), huyện Đăk GLei lại có hình Oval, có cửa sổ hai bên hông nhà; người Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) và người Brâu ở làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) lại duy trì tập quán xây dựng nhiều nhà rông, có từ 2 nhà rông trở lên.

Có thể thấy, tùy vào đặc trưng của mỗi cộng đồng và vùng đất sinh sống sẽ có cách xây dựng nhà rông khác nhau. Tuy nhiên, theo thời gian, với sự giao thoa văn hóa của các vùng, miền, các nhà rông cũng có những thay đổi nhất định, giao thoa về kiểu dáng, kiến trúc, tuy nhiên, vẫn giữ được một số nét đặc trưng.

Các nghi thức, lễ hội bên nhà rông truyền thống. Ảnh: H.T

Các nghi thức, lễ hội bên nhà rông truyền thống. Ảnh: H.T

Tại làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), cộng đồng dân tộc ít người Brâu tại đây luôn ra sức gìn giữ bản sắc văn hóa nhà rông của mình. Sau những lần di cư vì chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, mặc dù, phải thay đổi chút ít trong kết cấu, kiểu dáng nhưng vẫn giữ được nhiều bản sắc, vững chãi, làm điểm tựa tinh thần cho bà con dân làng theo năm tháng.

Theo già Y Pan – người có uy tín tại làng Đăk Mế, giữa làng là nhà rông “mẹ”, nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng, hai bên là 2 nhà rông “con” dành cho các hoạt động cộng đồng, văn hóa truyền thống. Bên trong nhà rông, nhiều vật thiêng được cất giữ kỹ, trong đó, nổi bật là Chiêng tha. Nhà rông có kiến trúc đặc biệt với thiết kế vuông vức, tám mái, nóc hình tháp nhọn mang biểu tượng quả bầu, có chạm khắc hình sừng trâu, là biểu tượng cho sức mạnh và đoàn kết.

“Từ khi dân làng di cư vào năm 1991, nhà rông được dựng lại nguyên bản theo trí nhớ của các già làng, sử dụng 100% vật liệu tự nhiên. Bất cứ hoạt động lễ hội hay vui chơi gì đều diễn ra dưới mái nhà rông; thanh niên trai tráng thường xuyên tụ tập sinh hoạt, học tập, ngủ lại nhà rông như nhà của mình. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng nhà rông vẫn là trái tim của cả dân làng” - già Y Pan chia sẻ thêm.

Đối với người Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) lại có 2 nhà rông với vị thế ngang nhau và có chức năng khác nhau, là nhà rông phong tục - nơi diễn ra các lễ tục cúng tế trang nghiêm và nhà rông văn hóa - nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

Già A Ren (làng Le) cho biết: Đối với bà con Rơ Măm, nhà rông văn hóa có thể tận dụng một số vật liệu hiện đại như tôn, bê tông, sắt thép để làm, nhưng nhà rông phong tục thì phải bắt buộc làm bằng 100% nguyên liệu tự nhiên. Vì nguyên liệu hiếm dần nên mỗi lần sửa chữa nhà rông, bà con tìm nguyên liệu rất lâu, có khi từ 1 - 2 năm mới đủ. Nhà rông phong tục là nơi linh thiêng bởi đó là nơi diễn ra các nghi lễ tâm linh và là nơi cất giữ Yàng. Chính vì vậy, họ kiêng không cho phụ nữ bước lên để tránh làm ô uế, vi phạm đến thần. Ngày lợp mái phải chọn ngày tốt, nắng đẹp, khi tiếng chim kêu phía mặt trời mọc, báo hiệu điềm tốt có thể tiến hành lợp mái. Nhà rông của người Rơ Măm không trang trí hoa văn như các dân tộc khác, luôn dựng theo hướng nam hay hướng mặt trời mọc bởi họ quan niệm đó là hướng của sự sống trái với hướng mặt trời lặn là hướng của âm và xui xẻo.

Nhiều hoạt động của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chọn nhà rông làm nơi tổ chức. Ảnh: H.T

Nhiều hoạt động của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội chọn nhà rông làm nơi tổ chức. Ảnh: H.T

Có thể thấy, nhà rông là không gian linh thiêng của mỗi cộng đồng, một tác phẩm nghệ thuật lớn, hội tụ nhiều tinh hoa trong các lĩnh vực. Theo nghiên cứu, nhà rông thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, trong đó, đặc biệt là Kon Tum khá đặc sắc và đa dạng. Với mỗi dân tộc khác nhau mà nhà rông được xây dựng với hình dáng và có nhiều tên gọi, như nhà rông của người Ba Na thường mềm mại nhưng không kém phần uy nghi; nhà rông của người Gié - Triêng thường nhỏ và thấp; nhà rông của người Xơ Ðăng lại có mái cao vút; nhà rông của người Gia Rai có thiết kế phần mái thanh thoát, nhìn như lưỡi rìu dựng ngược.

Ngoài những sinh hoạt mang tính tín ngưỡng, cổ truyền thì hiện nay, nhà rông còn là nơi cộng đồng các dân tộc tổ chức các hoạt động phù hợp với cuộc sống hiện đại, văn minh, phát động các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền cổ động trực quan, gắn biển các hương ước, quy ước của làng về an ninh trật tự, xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư.

Với nhiều chính sách quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự chung tay, ý thức giữ gìn của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, tỉnh ta hiện là một trong những “điểm sáng” trong công tác bảo tồn nhà rông truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 409 làng có nhà rông với 434 nhà rông; trong đó có 182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, hiện đại. Một số huyện đạt tỷ lệ 100% thôn/làng đồng bào DTTS có nhà rông là Sa Thầy, Tu Mơ Rông và Kon Rẫy; trong đó huyện Kon Rẫy đạt tỷ lệ 100% nhà rông làm bằng nguyên vật liệu truyền thống.

Những kết quả đạt được đã khẳng định rằng, những gì thuộc về bản sắc, truyền thống thì cần phải ra sức giữ gìn, là mối quan hệ không thể tách rời nếu muốn cộng đồng phát triển bền vững. Nhà rông vẫn sẽ mãi là biểu tượng linh thiêng, “hồn cốt” của làng, khẳng định chủ quyền, sức mạnh của mỗi cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm