Xã hội

Từ thiện

Chung tay giúp đỡ bệnh nhân Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ chú trọng chăm sóc về mặt sức khỏe, đội ngũ y tế tại các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị Covid-19 còn là những người bạn luôn chia sẻ, động viên bệnh nhân an tâm điều trị để vượt qua bệnh tật.
Bệnh viện dã chiến số 3 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chăm sóc, điều trị trên 200 bệnh nhân Covid-19, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, các bác sĩ, nhân viên y tế tại đây còn quan tâm, kịp thời phát hiện và trợ giúp những bệnh nhân khó khăn.
Bác sĩ Nguyễn Công Huấn (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho hay: Trước đây, tôi nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 rồi đến Bệnh viện dã chiến số 3. Sau đó, tôi chuyển về Khoa Bệnh nhiệt đới. Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hàng ngày nên tôi nhận thấy nhiều người rất lo lắng, thậm chí hoang mang. Vì vậy, chúng tôi không chỉ chăm sóc về mặt sức khỏe mà còn phải gần gũi động viên giúp bệnh nhân giải tỏa tâm lý để điều trị đạt kết quả tốt. Dù phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm nhưng chúng tôi không ngại nguy hiểm, luôn nỗ lực làm nhiệm vụ chăm sóc người bệnh thật tốt, tránh những biến chứng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Theo bác sĩ Huấn, nhiều ca F0 là các em nhỏ, gia đình khó khăn vì phải cách ly điều trị gần cả nhà nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập. Thấu hiểu điều đó nên lãnh đạo, y-bác sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến số 3 đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế và lực lượng tăng cường tại Bệnh viện dã chiến số 3 chuẩn bị bữa cơm chiều cho các bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế và lực lượng tăng cường tại Bệnh viện dã chiến số 3 chuẩn bị bữa cơm chiều cho các bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện
Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc “thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” hết hiệu lực từ ngày 31-12-2021. Theo đó, ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ tiền ăn ở (80.000 đồng/người/ngày) tại các cơ sở điều trị Covid-19. Đối với F0 là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thì có chính sách hỗ trợ theo quy định, còn lại phải tự túc. Chị Phùng Thị Lan-nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 3-chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân không có tiền phải ăn mì tôm hay 2 người cùng chia nhau một suất ăn. Trước hoàn cảnh đó, bác sĩ Nguyễn Công Huấn và lãnh đạo Bệnh viện đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, an tâm điều trị”.
Bệnh nhân K.D (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 bộc bạch: “Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo, huy động cơm từ thiện để cấp cho bệnh nhân hàng ngày. Các cháu nhỏ còn được tặng sữa và hỗ trợ nhiều thứ khác nên ai cũng biết ơn các y-bác sĩ nhiều lắm!”.
Bệnh viện dã chiến số 2 (xã Trà Đa, TP. Pleiku) hiện có gần 200 F0 đang cách ly, điều trị. Ngoài các đối tượng được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày theo quy định thì vẫn còn nhiều bệnh nhân không tự trang trải được. Và các y-bác sĩ cũng ra tay vận động một số nhà hảo tâm hỗ trợ. Ông Phạm Thanh Hưng-Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2-cho hay: “Chúng tôi vận động Mạnh Thường Quân giúp từ 50 đến 100 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân hàng ngày. Giúp được bệnh nhân đến đâu thì mình cố gắng đến đó, bởi nhiều người đang rất khó khăn”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm