(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân hội nghị tri ân các nhà tài trợ, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh về những kết quả mà Hội đã đạt được trong thời gian qua.
* P.V: Những năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã triển khai các hoạt động gì để giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, thưa ông?
- Ông TRƯƠNG ĐÌNH BA: Toàn tỉnh hiện có 16.200 người khuyết tật và hơn 6.000 trẻ mồ côi. Trong số đó, hơn 2/3 người khuyết tật và trẻ mồ côi cần được sự giúp đỡ của cộng đồng. 24 năm qua, Hội đã không ngừng sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội thiện nguyện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, Hội đã tích cực vận động sự tự nguyện chia sẻ của cộng đồng, các nhà hảo tâm cùng quan tâm tới việc bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp cho các đối tượng đặc biệt khó khăn.
Mọi hoạt động của Hội đều nhằm vận động, thu hút các nguồn lực của xã hội, nhà hảo tâm đóng góp công sức, tiền của để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế và nhiều chương trình khác giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi giảm bớt khó khăn, hòa nhập với cộng đồng, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại huyện Chư Prông. Ảnh: Hà Phương |
* P.V: Ông có thể khái quát những kết quả nổi bật mà Hội đã đạt được trong việc kêu gọi vận động hỗ trợ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi?
- Ông TRƯƠNG ĐÌNH BA: Từ năm 2008 đến nay, Hội đã vận động và phối hợp vận động bằng tiền mặt, hiện vật với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng. Qua đó, Hội đã trợ giúp, hỗ trợ cho trên 25.000 lượt người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là cấp 1.322 xe lăn, xe lắc; tặng 562 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; hỗ trợ sách vở và đồ dùng học tập cho 771 cháu; tặng 445 suất học bổng cho học sinh mồ côi nghèo; khám sàng lọc, tư vấn cho 307 người khuyết tật vận động; phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 135 người mù nghèo; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 2.119 người; phẫu thuật tim bẩm sinh cho 3 trẻ em; xây mới 18 căn nhà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo khó khăn về nhà ở; xây dựng 1 phòng học tại điểm trường làng Hà Ra (Trường Tiểu học-THCS Kông Yang, huyện Kông Chro), đầu tư trang-thiết bị, tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập, đồng phục cho học sinh với tổng số tiền trên 293 triệu đồng... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao học bổng cho 350 trẻ mồ côi và người khuyết tật trị giá 410 triệu đồng; hỗ trợ 3 căn nhà “Chữ thập đỏ” cho trẻ em mồ côi và người khuyết tật trị giá 150 triệu đồng.
Qua công tác kêu gọi vận động đã góp phần tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật, trẻ mồ côi, nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với các đối tượng yếu thế, nhất là thu hút nhà tài trợ, những người có tấm lòng thiện nguyện đến với hoạt động Hội. Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền cũng đem lại cách tiếp cận, sự nhìn nhận mới về các đối tượng, giúp mọi người hiểu rằng họ cũng có năng lực, khát khao được sống, được hoạt động để hòa nhập với xã hội.
* P.V: Thời gian tới, Hội sẽ triển khai những hoạt động gì để giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, thưa ông?
- Ông TRƯƠNG ĐÌNH BA: Chúng tôi tập trung tuyên truyền về tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Chương trình hành động của Hội bao gồm: dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi; phẫu thuật thay thủy tinh thể cho người mù nghèo và trẻ em mù; phẫu thuật phục hồi chức năng cho người mù khuyết tật; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật hệ vận động; cấp xe đạp cho trẻ mồ côi; hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Cùng với đó, Hội chủ động nghiên cứu, nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi và đối tượng yếu thế khác; tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của cơ quan, ban ngành, đoàn thể để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình hoạt động cụ thể; tham mưu đề xuất những vấn đề liên quan đến chính sách, quyền lợi, đời sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Công tác thông tin, truyền thông phải được coi trọng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử và cách tiếp cận đối với vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, đa dạng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, mang lại hiệu quả cao nhất.
Để công tác chăm sóc người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (đặc biệt là trẻ mồ côi) đạt hiệu quả cao hơn, Hội mong muốn cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, có nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, thiết thực, đặc biệt với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và những người là nạn nhân của chiến tranh.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
HÀ PHƯƠNG (thực hiện)