Kinh tế

Doanh nghiệp

Chương trình hành động cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Mục tiêu của Chương trình là cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

 

Hoạt động khai thác bưu kiện, bưu phẩm tại Trung tâm Vận chuyển và kho vận miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - đơn vị khẳng định được vị thế và uy tín của một doanh nghiệp nhà nước.
Hoạt động khai thác bưu kiện, bưu phẩm tại Trung tâm Vận chuyển và kho vận miền Bắc, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - đơn vị khẳng định được vị thế và uy tín của một doanh nghiệp nhà nước.

Theo Chương trình hành động, đến năm 2020 hoàn thành cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 trên cơ sở các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc các ngành, lĩnh vực tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp Nhà nước; hoàn thành thoái vốn theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 và các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn theo các quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương; phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước; hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp Nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình là đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Trong đó, sẽ nghiên cứu ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nội dung về thoái vốn được điều chỉnh theo hướng quy định phương thức thoái vốn phù hợp với tình hình thị trường và thực tế hoạt động của doanh nghiệp như: đấu giá bán toàn bộ phần vốn Nhà nước; bổ sung quy định việc xác định giá khởi điểm khi tổ chức bán phần vốn Nhà nước theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán.

Trong quá trình thực hiện triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kiên quyết thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020; Danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020; Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 theo tiến độ, lộ trình được phê duyệt; thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 và Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020 theo nguyên tắc: Tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; giảm tỉ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị một cách thực chất, thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự; tối đa hóa giá trị bán vốn Nhà nước theo cơ chế thị trường.

Các doanh nghiệp không đủ điều kiện để thực hiện cổ phần hóa sẽ được xem xét áp dụng các hình thức sắp xếp khác như bán, khoán, cho thuê, giải thể, áp dụng biện pháp phá sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp Nhà nước lâm vào tình trạng phá sản mà không có phương án tái cơ cấu khả thi.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hóa, Nhà nước tiến hành kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng; doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng; việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, công khai, minh bạch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết trong một năm từ ngày phát hành cổ phiếu

Tỷ lệ sở hữu Nhà nước sẽ tiếp tục giảm đối với các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa; thúc đẩy gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp cổ phần hóa phải niêm yết trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu. Các doanh nghiệp cổ phần hóa chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM); xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được quản lý tập trung, chỉ sử dụng cho mục đích chi đầu tư phát triển, không sử dụng chi thường xuyên; đảm bảo đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 250.000 tỷ đồng, trong đó năm 2017 là 60.000 tỷ đồng.

Kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng doanh nghiệp Nhà nước, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.

Nâng cao hiệu quả quản lý đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước

Nhiệm vụ, giải pháp khác là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.

Trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đã được phê duyệt; đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đại diện chủ sở hữu Nhà nước, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch, phương án cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện.

Hoàn thiện tổ chức để thực hiện chức năng Nhà nước là chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Khẳng định và đảm bảo các cơ chế, chính sách về doanh nghiệp Nhà nước, công tác tổ chức triển khai thực hiện luôn đảm bảo yêu cầu: Nhà nước thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp. Bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường; tôn trọng tính độc lập trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên, chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, Ban điều hành doanh nghiệp Nhà nước để hoạt động quản trị của doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện một cách minh bạch, giải trình chuyên nghiệp, hiệu quả cao.

Khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, yêu cầu sau: Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức - cán bộ tại doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước về tổ chức, thành lập, gia nhập, tổ chức lại, giải thể, thay đổi cơ cấu sở hữu, thực hiện điều lệ, tình hình tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh; về công tác cán bộ: bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chế độ lương, thưởng, thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện được ủy quyền của chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng giám đốc, Giám đốc; việc thực hiện mục tiêu, phương hướng, chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính, danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính, nghiêm cấm việc đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, dự án có nguy cơ rủi ro cao; về tình hình, kết quả, hiệu quả kinh doanh, tình hình, kết quả hoạt động tài chính, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hiệu quả đầu tư kinh doanh, vay, nợ và khả năng thanh toán nợ, việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, vốn điều lệ, tăng giảm vốn điều lệ, thay đổi cơ cấu vốn điều lệ, các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu.

TTXVN/Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm