Thổ cẩm lên sàn diễn
Trong không gian huyền ảo trước trụ đá tại Quảng trường Đại Đoàn Kết-biểu tượng của tinh thần đoàn kết 54 dân tộc anh em, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Việt Mốt (Vietmode) lần lượt giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập áo dài và sưu tập thời trang 4 mùa xuân-hạ-thu-đông với gam màu chủ đạo lấy cảm hứng từ thổ cẩm Tây Nguyên. Ngoài ra, NTK này còn giới thiệu bộ sưu tập thời trang với sắc tím dành riêng cho thành phố sương mù.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Pleiku có đặc điểm rất đáng yêu đó là có 4 mùa và thêm một màu tím thật lãng mạn không nơi nào có, bởi vì đây là thành phố sương mù. Tôi tạm gọi đó là màu tím sương lam. Đó không phải là màu tím Huế, mà là màu tím khác. Bởi vì tôi đã nhìn Pleiku vào buổi sáng sớm hay lúc hoàng hôn, cho tôi cảm xúc để tái hiện màu tím lãng mạn ấy cùng với bộ sưu tập 4 mùa dành tặng vùng đất này”.
Không gian huyền ảo của chương trình "Gia Lai ơi" . Ảnh: Hoàng Ngọc |
Bộ sưu tập thời trang của NTK Minh Hạnh cân bằng được tính truyền thống và tính hiện đại, mang đến một sắc thái mới cho thổ cẩm. Tinh hoa của nghề truyền thống được thể hiện tinh tế, đầy cảm hứng trong từng tà áo dài hay bay bổng trong các trang phục thời trang 4 mùa. Sân khấu huyền ảo của đêm trình diễn càng tạo sự cộng hưởng để thổ cẩm được thăng hoa, tỏa sáng rực rỡ.
Đó là hình ảnh nhà rông, cổ thụ soi bóng xuống hồ nước, dáng hình thanh thoát của con thuyền độc mộc. Bên bờ nước, bóng dáng những phụ nữ bản địa chân trần, cần mẫn bên khung dệt. Hiệu ứng sân khấu mang lại hình ảnh như thực cảnh trong sương mây hư ảo của núi rừng, bừng lên sức sống mới trong đời sống của những cư dân bản địa vùng Trường Sơn-Tây Nguyên.
Những “gái trai quê tôi, da nâu mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” hay những nghệ nhân Bahnar, Jrai trở thành chủ thể chính được tôn vinh trên sân khấu thời trang. Tuy vẫn còn chút bỡ ngỡ song với họ, đây là niềm vui khi di sản văn hóa và những đóng góp của đội ngũ nghệ nhân được tôn vinh.
Nữ nghệ nhân Rơ Châm Phieo (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) mang lên sân khấu bộ khung dệt đã lên màu thời gian như tuổi tác của bà. Đó cũng là di sản bà kế thừa từ người mẹ và gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Bà chia sẻ: “Mình lên sân khấu ngồi dệt vải như vẫn làm ở làng, nhưng đông khán giả đến xem nên mình thấy rất vui. Trang phục thổ cẩm được người mẫu trình diễn rất đẹp mắt”.
Còn chị Rơ Lan Hen (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) thì tự hào: “Mình thực sự xúc động khi thấy các nữ nghệ nhân lớn tuổi được người mẫu dắt tay trên sân khấu. Họ là những người bà, người mẹ đã trao truyền di sản quý báu này lại cho thế hệ trẻ. Mình cũng rất tự hào khi được ngồi cùng với họ trên sân khấu thời trang bên những khung dệt để tái hiện lại nghề truyền thống. Chương trình khiến mình càng yêu quý thổ cẩm, gắn bó với nghề hơn”.
Các nghệ nhân tái hiện khung cảnh dệt vải. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Chị Hồ Thị Duyên (đường Thống Nhất, TP. Pleiku) bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi thấy thổ cẩm đẹp như vậy qua các thiết kế thời trang. Sân khấu được làm rất đẹp, vừa có sự hùng vĩ, lại vừa có gì đó rất gần gũi, thân thuộc với đời sống. Hy vọng sẽ có những chương trình tương tự được tổ chức, nhất là trong dịp lễ, Tết để mọi người có cơ hội được tìm hiểu sự độc đáo trong di sản văn hóa của cộng đồng bản địa ở Gia Lai”.
Nối dài những đường tơ
“Gia Lai ơi” còn có các hoạt động trải nghiệm cà phê Gia Lai và không gian thổ cẩm, trưng bày những bức tranh đặc sắc do các em học sinh dân tộc thiểu số vẽ bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Mỗi hoạt động tựa như những sợi chỉ màu dệt nên một trường ca thổ cẩm, khẳng định dòng chảy văn hóa không ngừng được kế thừa, sáng tạo những giá trị mới. Nếu những bức tranh vẽ bằng trí tuệ nhân tạo của các em học sinh phản ánh tư duy của thế hệ tương lai về di sản văn hóa cha ông thì không gian thổ cẩm cho thấy sức sống của di sản trong nhịp sống đương đại.
Các em học sinh thích thú khi thấy tác phẩm tranh vẽ bằng Al (trí tuệ nhân tạo) của mình được trưng bày trong khuôn khổ chương trình "Gia Lai ơi". Ảnh: Hoàng Ngọc |
Em Rcom H’Hương (lớp 9, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, TP. Pleiku) mô tả bức tranh theo trí tưởng tượng của mình với nội dung: “Một người phụ nữ dân tộc Jrai đang ngồi dệt vải bên bờ sông” để AI hoàn thiện bức tranh. Đây cũng là một trong những tác phẩm đặc sắc được trưng bày tại khuôn khổ chương trình “Gia Lai ơi”.
Rcom H’Hương chia sẻ: “Khi được hỏi điều gì đặc trưng nhất của dân tộc mình thì em nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ bên khung dệt. Đó cũng là hình ảnh em thường thấy khi về làng. Em hy vọng trí tuệ nhân tạo giúp thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số hiểu về bản sắc văn hóa của mình hơn, đồng thời có thể sử dụng công nghệ để giới thiệu, phát huy giá trị di sản”.
“Gia Lai ơi” do UBND tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Việt Mốt phối hợp tổ chức, là sự kiện chào mừng chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023, đồng thời tôn vinh giá trị của thổ cẩm và sự sáng tạo của các nghệ nhân. Tham dự chương trình có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; một số Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo người dân Pleiku. Ngoài dàn người mẫu, nhóm múa và ca sĩ chuyên nghiệp, chương trình còn có sự tham gia diễn xuất của 200 nghệ nhân, học sinh người dân tộc thiểu số, nhóm nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ dân tộc người Jrai.
Không gian thổ cẩm là nơi giới thiệu nghề truyền thống cùng các sản phẩm mang tính ứng dụng vào đời sống. Là người duy nhất của vùng đất Đông Trường Sơn tham gia không gian thổ cẩm, các sản phẩm của Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Hiền (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) thu hút đông đảo người dân, khách tham quan lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Những sản phẩm tinh xảo, đạt đến trình độ cao của nghệ nhân Bahnar này có giá từ 1 triệu đồng cho đến vài triệu đồng/sản phẩm.
Trong khi đó, các nghệ nhân Jrai ở xã Biển Hồ khiến nhiều người bất ngờ khi đưa thổ cẩm vào các thiết kế thời trang mang tính ứng dụng cao với giá chỉ từ vài chục ngàn đồng tới vài trăm ngàn đồng. Nhưng qua đó, nhiều người có dịp tìm hiểu, so sánh sự độc đáo, khác biệt trong hoa văn, chất liệu, công đoạn dệt khác nhau của thổ cẩm Jrai, Bahnar.
Sắc màu thổ cẩm truyền thống của người bản địa Gia Lai tôn vinh nét duyên dáng của người thiếu nữ. Ảnh: H.N |
Là nhà sưu tầm đi lại nhiều lần khắp các tỉnh Tây Nguyên, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm-người sở hữu bảo tàng dân tộc học tư nhân với hơn 30 ngàn hiện vật tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Phải khẳng định Gia Lai làm rất tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hoa văn trên thổ cẩm, đan lát ở đây đặc biệt không ở đâu có, tượng gỗ không ở đâu làm đẹp hơn, nhạc cụ Gia Lai đặc sắc so với các tỉnh Tây Nguyên. Tôi đã có hàng trăm chiếc gùi cổ trong bộ sưu tập nhưng đến đây vẫn không thể cầm lòng trước tay nghề cao của nghệ nhân Gia Lai. Tất cả những yếu tố đó tạo cho người dân bản địa có tương lai về kinh tế. Cần phát triển những yếu tố đó, nâng tầm lên để cho người dân sống được với nghề, khuyến khích họ giữ nghề. Chúng tôi là những người nghiên cứu văn hóa sẽ cố gắng kết nối trong và ngoài nước để mọi người biết đến di sản văn hóa Gia Lai nhiều hơn”.
Trình diễn các thiết kế trong các bộ sưu tập thời trang 4 mùa của NTK Minh Hạnh. Ảnh: H.N |
Sức hút từ thổ cẩm khiến không gian của nghề truyền thống luôn tấp nập người dân và du khách. Sinh ra ở Pleiku, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Minh Phương hào hứng cho biết: “Tôi rất mê thổ cẩm bởi tính văn hóa trong từng hoa văn, họa tiết. Tôi mua một tấm thổ cẩm để may túi đựng laptop và chân váy bút chì. Giá một tấm thổ cẩm chỉ 400 ngàn đồng nhưng rất đẹp, rất giá trị”.
Một người con Phố núi xa quê khác là chị Nguyễn Thị Kim Thanh thì chia sẻ: “Tôi may mắn trở về Pleiku đúng dịp có chương trình thời trang thổ cẩm. Chương trình khiến nhiều người chú ý đến thổ cẩm nhiều hơn. Tôi mua được chiếc túi xách từ thổ cẩm và rất hài lòng. Đây là sản phẩm được làm rất tỉ mỉ, kỳ công nhưng giá thành vừa phải, dễ sử dụng”.
Nhà thiết kế Minh Hạnh-Tổng đạo diễn chương trình “Gia Lai ơi”-cho biết: “Khi trở lại Gia Lai, tôi nhìn thấy rất nhiều điểm sáng trong nghề truyền thống và di sản văn hóa của cộng đồng bản địa. Đó vừa mang yếu tố truyền thống, vừa phù hợp với xu hướng phát triển của thời trang nói riêng. Màu sắc, hình thái dệt của cộng đồng bản địa cũng mang được sự hiện đại, có thể sử dụng trở thành những sản phẩm thời trang có tính ứng dụng cao. Đây không chỉ là câu chuyện về thời trang mà còn là câu chuyện về đời sống. Bởi đó chính là con đường phát triển bền vững của thổ cẩm, của di sản văn hóa dân tộc”.
Sắc màu thổ cẩm thăng hoa trên sân khấu. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Đây cũng chính là mục tiêu của chương trình “Gia Lai ơi” trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho hay: “Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn tiếp tục quảng bá, giới thiệu văn hóa, xây dựng thương hiệu thổ cẩm Gia Lai trở thành hàng hóa có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số”.