“Gia Lai ơi” do UBND tỉnh Gia Lai và Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) phối hợp tổ chức là sự kiện chào mừng chuỗi hoạt động của Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2023 của tỉnh Gia Lai, đồng thời tôn vinh giá trị của thổ cẩm và sự sáng tạo của các nghệ nhân.
Không gian huyền ảo của chương trình "Gia Lai ơi" . Ảnh: Hoàng Ngọc |
Tham dự chương trình có đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng đông đảo người dân Phố núi Pleiku.
Các nghệ nhân tái hiện khung cảnh dệt vải. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: “Gia Lai ơi” không chỉ là một chương trình thời trang, mà hơn thế là không gian mang đậm bản sắc văn hóa. Chương trình là sự tôn vinh các nghệ nhân-những chủ nhân của di sản văn hóa. Họ là những người bền bỉ gìn giữ, trao truyền và không ngừng sáng tạo nghề truyền thống. “Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn tiếp tục quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu thổ cẩm Gia Lai trở thành hàng hóa có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Sắc màu thổ cẩm thăng hoa trên sân khấu. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Chương trình lần lượt giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập áo dài và sưu tập thời trang 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông lấy cảm hứng từ thổ cẩm Tây Nguyên của NTK Minh Hạnh. Ngoài dàn người mẫu, nhóm múa, ca sĩ chuyên nghiệp, chương trình còn có sự tham gia diễn xuất của gần 200 nghệ nhân, học sinh người dân tộc thiểu số, nhóm nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ dân tộc người Jrai.
Người mẫu trình diễn trên nền âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Người mẫu trình diễn các bộ sưu tập trên nền những bản hòa tấu nhạc cụ tre nứa “Buôn làng ấm no”, đồng dao “Rước nước về làng”, độc tấu sáo “Đêm trăng tròn”; hay trên nhạc các ca khúc nổi tiếng như: Tiếng trống cao nguyên, Sơn nữ ca, Thị trấn mù sương, Xin cứ lấy đi, Đôi mắt Pleiku, Còn chút gì để nhớ qua các giọng ca Y Nhíp, Brice Liêm, Khang Ngọc, Phương Kat, thầy giáo 9X Thái Dương… Cùng với đó là phần diễn xuất của các học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh và nghệ nhân tái hiện khung cảnh dệt vải, đan lát, đẽo tượng nhà mồ…
Tái hiện đời sống văn hóa qua thời trang. Ảnh: Hoàng Ngọc |
“Gia Lai ơi” là chương trình nghệ thuật kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật dân gian Tây Nguyên. Đặc biệt, chương trình còn dành không gian để tôn vinh cống hiến của các nữ nghệ nhân-những người kế thừa và thực hành xuất sắc nghề truyền thống để dệt nên trường ca thổ cẩm. Chương trình được tổ chức quy mô, mang tính nghệ thuật cao, không chỉ mãn nhãn người xem ở phần hình ảnh mà ở phần âm nhạc với sự tham gia của những dàn nhạc cụ cồng chiêng, tre nứa đồ sộ, kỳ vĩ.
Sản phẩm thời trang như túi xách, ví, móc khóa... bằng thổ cẩm được rất nhiều người yêu thích. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngoài đêm trình diễn nghệ thuật thời trang, “Gia Lai ơi” còn có các hoạt động như không gian trải nghiệm cà phê Gia Lai và không gian thổ cẩm. Đây là nơi mọi người có thể đến xem các nghệ nhân đan lát, dệt vải, mua các sản phẩm thời trang bằng chất liệu thổ cẩm, trò chuyện, tìm hiểu về nghề truyền thống...
Các em học sinh thích thú khi thấy tác phẩm tranh vẽ bằng Al (trí tuệ nhân tạo) của mình được trưng bày trong khuôn khổ chương trình "Gia Lai ơi". Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình còn có triển lãm các bức tranh đặc sắc do các em học sinh dân tộc thiểu số vẽ bằng Al (trí tuệ nhân tạo).
Xem thêm một số hình ảnh trong đêm nghệ thuật thời trang thổ cẩm:
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long tặng hoa cảm ơn NTK Minh Hạnh và đội ngũ thực hiện chương trình |