Sống trẻ - Sống đẹp

Chuyện "11 tuổi mới được đến trường": Rà soát, vận động trẻ em đủ tuổi ra lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) liên quan đến bài viết “11 tuổi mới được đến trường” đăng trên báo Gia Lai mới đây về trường hợp một gia đình ở làng Khôi, xã Ia Ga. Nhà cách trụ sở UBND xã chỉ 2 km nhưng cả 4 đứa con của gia đình này chỉ mới được làm giấy khai sinh và đến trường cách đây gần 1 tháng, trong đó có cháu đầu năm nay đã 11 tuổi. 
Cuối tháng 9-2021, nhờ được một số người quen phối hợp cùng giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (xã Ia Ga) vận động, 2 anh em Kpuih Nhé và Kpuih Hoa đã được khai sinh và đến trường học những con chữ đầu tiên. Nếu được đi học đúng độ tuổi, lẽ ra Nhé đã lên lớp 6, còn em trai vào lớp 2. Không chỉ có 2 học trò đặc biệt này, mới đây, lớp 1C Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân lại tiếp tục đón 2 em tương tự.
Cô Ksor H’Guin-giáo viên chủ nhiệm lớp 1C-kể: Sau khi 2 anh em Nhé, Hoa đi học, cô xem giấy khai sinh thì thấy Kpuih Canh, em kề Hoa, năm nay cũng đã đến tuổi vào lớp 1. Và cô H’Guin xuống nhà tiếp tục vận động gia đình. Con đường lầy lội sau mưa khiến cô giáo trẻ không ít vất vả. Một em nhỏ gần nhà Nhé chạy ra chỉ đường. “Em đã đi học chưa?”-cô H’Guin ân cần hỏi han. “Dạ chưa, mẹ không cho đi”-em trả lời. Đó là Kpuih Lai, 11 tuổi, là anh em bạn dì với Nhé. Lai hơn anh em Nhé ở chỗ đã có giấy khai sinh nhưng cũng… chưa từng đi học ngày nào. 
Vậy là, sau khi vận động thành công bố mẹ Nhé cho đứa con thứ 3 đến trường, cô H’Guin ghé luôn qua nhà Lai. Mẹ em cho hay chị không biết làm hồ sơ như thế nào để con đến trường. Cô H’Guin quay sang hỏi Lai: “Em có thích đi học không?”. Cậu bé đen nhẻm hào hứng gật đầu: “Dạ có, em thích lắm! Cô ơi, cho em học với cô nhé?”. Ngày 25-10, lần đầu tiên Lai được đến trường. Đi cùng em còn có 3 anh em Nhé, Hoa, Canh đều học chung lớp. Dù khá vất vả do phải kèm riêng từng em bên cạnh chương trình chung của lớp nhưng cô H’Guin vẫn rất vui. “Các em thích học lắm. Em nào cũng chăm chỉ, nhớ bài tốt”-cô H’Guin chia sẻ.
Lớp học của cô giáo Ksor H’Guin rộn ràng hơn sau khi thu hút thêm 4 học sinh đặc biệt ở làng Khôi (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên
Lớp học của cô giáo Ksor H’Guin rộn ràng hơn sau khi thu hút thêm 4 học sinh đặc biệt ở làng Khôi (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Duyên
Liên quan đến những nội dung được phản ánh trong bài viết “11 tuổi mới được đến trường”, bà Phạm Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông-cho biết: Việc vận động học sinh ra lớp của ngành Giáo dục dựa trên kết quả điều tra phổ cập. Những em chưa có giấy khai sinh không nằm trong danh sách này nên các trường khó nắm bắt. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khẳng định: “Từ thông tin báo nêu, tới đây, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các trường trực thuộc trên địa bàn phối hợp với địa phương rà soát số học sinh đủ tuổi đến trường để vận động ra lớp. Ngoài ra, Phòng cũng đang chỉ đạo các trường thống kê, rà soát để mở lớp phổ cập xóa mù chữ ở cơ sở. Địa phương nào có đối tượng này thì làm tờ trình, nếu đủ 20 học sinh thì có thể mở lớp”.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Vũ Đình Hạnh chỉ rõ: Bên cạnh nhận thức có phần hạn chế của người dân, chuyện học sinh không được làm giấy khai sinh, không được đi học là trách nhiệm của các cấp chính quyền. Ông Hạnh cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện ghi nhận và cảm ơn thông tin báo nêu, đồng thời sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể UBND các xã và phòng, ban liên quan. Một là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt là khối Mặt trận, đoàn thể nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, làm giấy khai sinh theo đúng quy định. Hai là, tiếp tục phối hợp rà soát, vận động học sinh đến trường đúng độ tuổi”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm