TN - Đất & Người

Chuyện của những người sinh năm 1975

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 30-4-1975 trở thành một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những người con được sinh ra trong thời khắc hòa bình đầu tiên của đất nước, lớn lên theo những đổi thay từng ngày, luôn biết ơn, tự hào và góp sức mình xây dựng Tổ quốc.

May mắn vì được sinh ra khi đất nước vừa sạch bóng giặc, không còn tiếng đạn bom, những đứa con của hòa bình được cắp sách đến trường, được tự do chạy nhảy, chơi đùa, được có một tuổi thơ yên bình.
 

 Anh Lê Thống Nhất, chị Nguyễn Thị Kim Khánh, chị Đinh Thị Giang. Ảnh: Phương Vy
Anh Lê Thống Nhất, chị Phạm Thị Kim Khánh, chị Đinh Thị Giang. Ảnh: Phương Vy

Những buổi sáng sớm xếp hàng, đặt gạch giữ chỗ trước cửa hàng mậu dịch luôn là nhiệm vụ của các cô cậu 9, 10 tuổi trước khi bố mẹ làm xong việc ở nhà. Chiến tranh kết thúc, ba mẹ chị Phạm Thị Kim Khánh-hiện là Trưởng đại diện Vinaphone tại Gia Lai rời khỏi chiến khu về TP. Pleiku ổn định gia đình, bắt tay làm kinh tế. Chị Khánh khi ấy vẫn thường được ba mẹ giao đi mua đồ ở cửa hàng. “Mỗi lần xếp hàng như vậy rất lâu, mà số lượng được mua rất hạn chế. Tôi nhớ mỗi tháng chỉ được mua vài chục ký gạo. Ngày ấy ba mẹ tôi còn nuôi thêm mấy đứa cháu nên ăn cơm độn khoai, độn bắp là chuyện bình thường”-chị Kim Khánh nhớ lại.

Đó cũng là ký ức khó thể nào quên của chị Đinh Thị Giang-hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Chị Giang chia sẻ: “Mình vẫn còn nhớ khi ấy mặc dù mới khoảng 9 tuổi, một mình đã phải đi xếp hàng mua gạo, không có phương tiện mình phải mượn chiếc xe đẩy của cửa hàng để đẩy bao gạo 40-50 kg về tới nhà. Giờ nhớ lại vẫn thấy mình giỏi”. Thời gian ấy, nguồn thực phẩm hạn chế, hầu như gia đình nào cũng cố gắng tăng gia sản xuất bằng cách nấu rượu, nuôi heo, trồng rau,... để cải thiện thêm. Với anh Lê Thống Nhất-hiện đang làm công việc kinh doanh tại phường Ia Kring (TP. Pleiku) thì việc xếp hàng không chỉ có ở cửa hàng thực phẩm. “Ngày ấy, muốn mua vé ở bến xe cũng rất vất vả. Những người cò vé đặt gạch giành chỗ, sau đó bán chỗ lại cho người đến mua vé”-anh Thống Nhất hồi tưởng. Đi liền với thời tem phiếu ở Pleiku khoảng thời gian đó, trong ký ức của những đứa trẻ như chị Khánh, chị Giang, anh Thống Nhất còn là những tờ giấy vở có màu đen, cây bút kim tinh Hồng Hà, bút lá tre, là cửa hàng bán chè ngay góc Khách sạn Sê San (đường Hùng Vương) bây giờ, là cây kem quốc doanh, cửa hàng nước đá, những chiếc xe lam,... Tất cả đều ghi dấu về một TP. Pleiku đang dần chuyển mình những năm sau giải phóng.

40 năm hòa bình, cũng là chừng ấy năm họ chứng kiến sự thay da đổi thịt của nơi mình lớn lên. Chị Kim Khánh phấn khởi: “TP. Pleiku phát triển toàn diện về mọi mặt so với trước đây. Bộ mặt đô thị ngày càng hoàn thiện, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, hiện đại, giới trẻ bây giờ cũng có nhiều điều kiện hơn so với chúng tôi ngày trước”. Anh Thống Nhất cũng bày tỏ: “Khu vực trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bây giờ cách đây khoảng 30 năm chỉ là một bãi cỏ rộng mênh mông, lũ trẻ chúng tôi vẫn thường thả bò, chơi đùa ở đó. Bây giờ thì dân cư đã đông đúc, đường sá đi lại dễ dàng, nhà cửa mọc lên san sát”.

Vượt lên trên hết, bên trong mỗi người con ấy là một lòng biết ơn, niềm tự hào khi được lớn lên cùng với đất nước. Đặc biệt, buổi sáng 30-4-1975, anh Thống Nhất ra đời. Buổi trưa cùng ngày, khắp phố phường, tin giải phóng lan rộng, ba mẹ anh quyết định đặt tên anh là Thống Nhất để ghi nhớ ngày lịch sử trọng đại. Những năm tháng sau khi lớn lên, anh Thống Nhất cũng đã có thời gian khá dài học và làm việc trong TP. Hồ Chí Minh nhưng sau đó, anh lại lựa chọn trở về nơi chôn nhau cắt rốn để lập nghiệp. “Điều tôi tự hào nhất chính là sinh ra trong ngày đất nước toàn thắng và được là người Pleiku. Tôi đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người, ai cũng thấy yêu mến con người Pleiku bởi tính nhiệt tình, hiếu khách”-anh Thống Nhất chia sẻ.

Những đứa con của thời bình dù đang ở vị trí nào, công việc nào cũng đều có chung một niềm vui, niềm hạnh phúc khi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của tỉnh nhà nói riêng và của đất nước nói chung. Trong đó, cũng có một phần đóng góp của họ. Chị Đinh Thị Giang bày tỏ: “Lúc nhỏ, tôi vẫn thường được nghe ba mẹ kể chuyện chiến tranh, khói lửa nên tôi cảm thấy mình thật may mắn khi sinh vào lúc đất nước vừa hòa bình. Với những nỗ lực hết mình của bản thân trong công việc, tôi luôn cố gắng để đóng góp sức mình cho việc xây dựng tỉnh nhà”.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm