Điểm đến Gia Lai

Chuyện dọc đường kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo lời giới thiệu của nhà văn-cựu chiến binh Trung Trung Đỉnh, một buổi chiều đầu năm 2021, tôi ghé thăm ông Phạm Hải Đăng tại căn nhà số 59A Phan Đình Phùng, TP. Pleiku. Sinh năm 1949, quê ở tỉnh Ninh Bình, học hết lớp 10, ông nhập ngũ tháng 7-1967 và vào thẳng chiến trường Gia Lai. Đóng quân tại khu vực Suối Đục (huyện Chư Prông), ông trở thành lính trinh sát thuộc Trung đoàn 95. Tiểu đội của ông được giao nhiệm vụ bám đường 14, phối hợp đưa và đón cán bộ qua lại ngả này.
Chiến trường những năm tháng ấy vô cùng ác liệt và ông đã chứng kiến nhiều sự mất mát. Song có lẽ sự ra đi của Tiểu đội trưởng Quất khiến ông không bao giờ quên. Đó là vào năm 1968, khi ông chưa tròn 1 tuổi quân, trên đất Gia Lai.
Tháng 6-1970, ông được bổ sung sang Tỉnh đội Gia Lai. Tiếng là làm công tác tài vụ, nhưng thực chất, mỗi người lính như ông lúc đó phải đảm nhiệm rất nhiều việc, bao gồm cả tăng gia sản xuất, gùi cõng và chiến đấu. Ông vô cùng ngạc nhiên khi biết cách mạng đã xây dựng được một mạng lưới cơ sở ở vùng địch chắc chắn, hiệu quả.
Có lần, ông cùng đồng đội băng rừng về An Đỗ (An Nhơn, Bình Định), được ngồi sau xe Honda 67, mang đồ binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, cùng cơ sở mật vào ấp chiến lược rồi trở ra với những ba lô đầy tiền miền Nam mới cứng. Mang tiền về đơn vị khá gian nan, có khi bị địch phát hiện, ruồng bố gắt gao, nhưng các ông đã luồn lách để đến căn cứ an toàn. Tại đây, tiền được cấp phát cho các đơn vị quân đội, trở về đồng bằng mua hàng hóa gùi lên...
Tiền nào cũng quý nhưng do sống lâu trong rừng nên có nhiều vùng bà con dân tộc thiểu số rất… coi thường nó, kể cả đồng đô la Mỹ. Ông đã tận mắt thấy một số dân làng cất tiền lượm được từ máy bay địch rơi rồi về cất trên gác bếp cho khô giòn đến hư hỏng hoặc dùng để nhóm lửa nấu cơm.
Ông Phạm Hải Đăng (thứ 2 từ phải sang) và đồng đội tại căn cứ Krong (huyện Kbang)năm 1970 (ảnh tư liệu).
Ông Phạm Hải Đăng (thứ 2 từ phải sang) và đồng đội tại căn cứ Krong (huyện Kbang) năm 1970 (ảnh tư liệu).
Mặc dù được quân đội chăm lo, người dân đùm bọc, nhưng những năm tháng chiến tranh, việc ăn uống thiếu thốn vẫn thường xảy ra đối với bộ đội. Ông kể, có thời kỳ, cả tháng không thấy hạt muối, phải ăn củ riềng rừng và đọt đu đủ. Nhiều rẫy mì, bắp bị địch phun chất độc hóa học rất nặng, biết là nguy hiểm nhưng đói quá nên vẫn phải ăn.
Có những đồng đội trẻ, vì bị đói hoặc do chưa có kinh nghiệm chiến trường, khi thu được chiến lợi phẩm của địch đã nhầm bộc phá dẻo là bánh khảo nên lấy ăn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh sốt rét rừng đã lấy đi của quân đội ta nhiều chiến sĩ trẻ, ưu tú…
Cũng chính vì sự khan hiếm vật chất mà mỗi lần trinh sát đơn vị báo cho biết một bãi đổ bộ của địch đã ở trạng thái an toàn thì anh em đều chộn rộn vui mừng. Mừng vì giặc đã rút, mừng còn vì ta đã có thể ra đó kiếm đồ ăn.
Ông Đăng hồi nhớ: Lính Mỹ có thói quen bỏ lại đồ hộp không dùng hết trước lúc lên máy bay rời đi. Lính Việt Nam Cộng hòa cũng vậy, nhưng rất hay chơi ác khi họ thường chọc thủng các vỏ lon rồi đổ nước, thậm chí còn tiểu tiện cả vào đấy… Đói khổ, khó khăn, nguy hiểm không tài nào kể hết nhưng bao trùm trong từng đơn vị, bộ phận là tình đồng chí, đồng đội. Tất cả đều lo lắng, chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn.
Đến nay, tình cảm của ông và bạn bè đồng ngũ không chỉ khăng khít với các thủ trưởng Lâm Huế, Phan Anh Tuấn (đang sống tại Pleiku) mà còn sâu đậm, nghĩa tình với nhau. Ông và các bạn lính Tỉnh đội Gia Lai một thời trong rừng Kbang trước 1975 như: Trung Trung Đỉnh, Bùi Quốc Trường, Phạm Kim Xuân, Ngô Quốc Túy… dù cách xa nhưng vẫn thường xuyên thăm hỏi nhau.
Từ Tỉnh đội Gia Lai-Kon Tum về hưu năm 1990 với quân hàm Đại úy, ông Đăng tiếp tục mày mò tự học và tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn của ngành Y tế rồi xin mở phòng chẩn trị y học cổ truyền. Ông tâm sự, so với các đồng đội đã hy sinh và những thương-bệnh binh bước ra từ cuộc chiến, ông là người may mắn. Vì vậy, ông luôn cố gắng làm nhiều việc có ích, như để sống thay một phần đời của những người không còn nữa.
Hơn 30 năm bốc thuốc chữa bệnh, ông đã cứu giúp nhiều người, trong đó có hơn 2.600 ca hiếm muộn tìm được hạnh phúc. Ghi nhận những đóng góp tích cực, năm 2019, lương y cựu chiến binh Phạm Hải Đăng được Trung ương Hội Đông y Việt Nam trao danh hiệu Thầy thuốc Đông y tiêu biểu.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm