Xã hội

Chuyện học của một trí thức dân tộc Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Nay Phin là một trong những trí thức đầu tiên của dân tộc Jrai. Ông nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Gia Lai và là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Hồi ông còn tại thế, tôi được nghe ông kể về chuyện đi học dưới chế độ thực dân Pháp.


Bấy giờ là quãng năm 1929. Cả Gia Lai-Kon Tum chỉ có 1 trường học duy nhất ở Kon Tum dạy tới lớp 4. Từ Cheo Reo, cậu bé Nay Phin bấy giờ 10 tuổi phải đi bộ ròng rã 4 ngày mới tới được trường. Sở dĩ có sự may mắn này là bởi ông Nay Der, em ruột mẹ ông, người thầy đầu tiên của dân tộc Jrai đang dạy học ở đó nhắn về… Thời Pháp thuộc, nếu như người Kinh chỉ gia đình nào kinh tế khá giả con cái mới được học hành thì với đồng bào dân tộc thiểu số, điều này ngược lại. Như ông Nay Der, cha mẹ phải đi ở cho nhà giàu, bản thân ông thì chăn vịt cho viên đồn trưởng Cheo Reo người Pháp. Sau đổi về Sông Cầu, hắn mang ông đi theo. Thấy ông lanh lợi, hắn cho đi học và sau khi về Pháp thì gửi ông cho cha xứ Kon Tum. Nhờ thông minh ham học, ông thi đỗ tiểu học rồi ra làm thầy giáo… Mẹ của Nay Phin cũng đi ở cho nhà giàu. Sau nhờ người anh làm lính trạm có tiền chuộc ra.

Ảnh minh họa: Mộc Trà
Ảnh minh họa: Mộc Trà

Trường Tiểu học Kon Tum bấy giờ có khoảng 40 học sinh người dân tộc thiểu số nhưng chỉ có duy nhất 1 nữ là Bu, em gái thầy Nay Der. Học trò đồng phục quần soọc, áo cộc tay. Từ ăn uống, sách vở đến quần áo (mỗi năm 2 bộ) đều được “nhà nước bảo hộ” đài thọ nhưng không cho tiền. Muốn có tiền tiêu vặt, vào ngày nghỉ, học trò đi lấy củi hoặc hoa rừng bán cho người Pháp. Cả trường chỉ có 2 giáo viên người dân tộc thiểu số là Nay Der và một người Bahnar. Từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh người Kinh và dân tộc thiểu số học riêng; lên lớp 4 mới học chung. Lớp 1 học chữ, lớp 2 học vệ sinh, Toán, Tiếng Pháp. Lên lớp 4 có thêm môn sử Pháp. Việt văn mỗi tuần chỉ có 2 giờ nhưng không có thầy dạy đành bỏ. Trong lớp phải giao tiếp bằng tiếng Pháp. Ở ngoài, trò mới được giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Thế nên học chung lớp nhưng trò dân tộc thiểu số không ai biết nói tiếng Việt, không có khái niệm gì về Tổ quốc, dân tộc; chỉ biết “tổ tiên ta là người Gô-loa” và ta đang sống ở xứ An Nam!

Học xong 4 năm ở Kon Tum, Nay Phin phải ra Huế thi lấy bằng cao đẳng tiểu học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène). Dịp may là Krèst, một viên chức người Pháp muốn tìm người để học tiếng Jrai. Bấy giờ, chế độ thực dân Pháp khuyến khích viên chức học tiếng bản địa. Ai thi đỗ sẽ được thưởng và nâng lương sớm. Khi đổi về Huế, Krèst muốn mang ông theo để tiếp tục học. Nhờ ông, Krèst thi đỗ và được thưởng 700 đồng Đông Dương. Như một sự trả ơn, ông ta gửi Nay Phin vào Quy Nhơn học tiếp. Tại đây, cả Gia Lai chỉ có mình Nay Phin là học sinh người dân tộc thiểu số. Học bổng mỗi năm ngoài 2 bộ quần áo, chăn màn, sách vở thì mỗi tháng còn được phát 2,5 đồng để tiêu. Tuy nhiên, kỷ luật học tập thì rất khắc nghiệt: Học sinh nào không thuộc bài sẽ bị bắt vào phòng đóng kín cửa học, không cho ra ngoài; vi phạm kỷ luật học tập phải quỳ lên vỏ quả mít. Ngoài ra, vi phạm hành vi nào, học trò sẽ bị bắt viết bài luận về hành vi đó… Thoạt nhìn hiện tượng, có thể ai đó nghĩ rằng chế độ thực dân Pháp cũng có những chính sách tích cực nhất định đối với giáo dục? Thực chất, với mục tiêu đào tạo ra các tầng lớp có học trung thành tuyệt đối với “nước mẹ”, học sinh không chỉ bị nhồi sọ những kiến thức lịch sử, văn hóa phản động của thực dân trên sách vở mà còn bị kiểm soát rất chặt về tư tưởng. Để thực hiện điều này, nhà trường thường đưa ra những vấn đề về xã hội cho học sinh làm bài luận để thăm dò. Nhớ một lần họ đưa ra đề tài nghị luận “Anh sẽ làm gì sau khi ra trường?”. Trong 60 học sinh thì 15 người bị giữ bài lại vì “có vấn đề”. Nay Phin cũng trong số đó vì câu trả lời “Sau này ra trường tôi sẽ đứng ra bảo vệ dân tộc tôi”… Lần khác, nhà trường ra đề luận “Làm thế nào để từ bỏ những tác hại của thuốc lá”, ông viết: “Muốn từ bỏ tác hại thuốc lá, hãy nã đại bác vào các nhà máy chế biến của nước Pháp”. Bài làm liền bị phê “Thằng này có tư tưởng hiếu chiến, cần phải theo dõi (!)”.

Vậy là sự nhồi sọ của thực dân Pháp nhằm đào tạo ra một tầng lớp công chức tay sai trung thành đã không như họ mong muốn. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc vẫn luôn chảy trong huyết quản của mỗi con dân Việt. Thế nên, sau khi học xong đệ tam niên (tương đương THCS bây giờ), được bố trí làm thư ký Tòa Khâm sứ Gia Lai nhưng tư tưởng chống đối của ông với chế độ thực dân Pháp vẫn mãnh liệt. Sau một lần cãi nhau với viên thanh tra người Pháp, Nay Phin làm đơn xin thôi việc. Bị ra điều kiện muốn thôi việc phải trả lại học bổng, ông phải về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học nội trú Pháp-Việt Gia Lai. Trước cảnh người dân bị bóc lột, áp bức nặng nề, ông kín đáo khích lệ học sinh lòng yêu nước, ý chí nỗ lực học tập để mai sau giúp đỡ đồng bào mình. Theo lời thầy, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, học trò của ông hầu hết đều đi theo cách mạng. Ở Gia Lai, các ông Siu Tám, Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ)… đều hòa mình vào dòng thác cách mạng rồi trở thành những cán bộ lãnh đạo tài năng của tỉnh.

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm