Điểm đến Gia Lai

Chuyện ít biết về Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám trên đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước nay, nhiều người cho rằng Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám từng đóng tại khu vực Núi Đất, xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể không hoàn toàn như vậy.

Báo Gia Lai số ra ngày 5-9-2022 đăng bài “Chuyện ít biết về xưởng quân khí Hoàng Hoa Thám trên đất Cửu An” của tác giả An Phát. Thông qua các nhân chứng, bài viết ghi lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân địa phương về xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám (xã Cửu An, thị xã An Khê).

Ở mức độ nhất định, bài viết gợi lại một thời sôi động của quân và dân ta trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng.

Các hiện vật được cho là của xưởng Hoàng Hoa Thám còn sót lại được trưng bày tại Nhà văn hóa thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Đình Chinh

Các hiện vật được cho là của xưởng Hoàng Hoa Thám còn sót lại được trưng bày tại Nhà văn hóa thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Đình Chinh

Cần nhắc lại, khi đó, thị xã An Khê ngày nay thuộc tỉnh Bình Định, một địa phương thuộc Liên khu 5. Chúng tôi tìm thấy trong sách “Lịch sử ngành Kỹ thuật Quân khu 5-1945-1975” được biên soạn bởi Cục Kỹ thuật Quân khu 5 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1996) một số thông tin liên quan. Theo đó, để phục vụ kháng chiến, Ủy ban lâm thời Bình Định đã mượn gara sửa chữa ô tô của ông Trần Hưng Tiếu ở Quy Nhơn, tập hợp gần 100 công nhân để sửa chữa vũ khí.

Tháng 10-1945, tỉnh Bình Định thành lập Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám tại đồn Cây Me, huyện An Khê (khu vực bao gồm cả An Khê, Đak Pơ, Kbang và Kông Chro ngày nay-N.V). Lúc này, xưởng có hơn 100 công nhân đến từ cơ sở hỏa xa Diêu Trì, các nhà máy dệt, nhà máy điện… Máy móc, thiết bị từ gara ông Tiếu và các công sở ở Quy Nhơn được chuyển lên An Khê để vừa sửa chữa vừa sản xuất vũ khí.

Xưởng tổ chức thành các tiểu đội, trung đội, do ông Giáp Văn Cương làm Quản đốc. Do chưa hiểu biết về vũ khí đạn dược, anh em công nhân dùng súng phóng lựu đạn để phóng đạn PIAT (viết tắt các chữ Projector, Infantry, Anti-Tank, nghĩa là súng phóng lựu chống tăng của bộ binh-N.V). Vụ thử nghiệm không thành công khiến 10 công nhân hy sinh cùng 20 người khác bị thương.

Vẫn theo tài liệu này, mặc dù vụ tai nạn gây tổn thất nghiêm trọng cho xưởng, nhưng những người làm việc tại đây vẫn quyết tâm nghiên cứu, rút kinh nghiệm, cải tiến để có vũ khí cho bộ đội chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên. Tháng 12-1946, giặc Pháp càn xuống An Khê, xưởng Hoàng Hoa Thám phải phân tán. Một số công nhân chuyển sang các đơn vị chiến đấu.

Một hiện vật được cho là của xưởng Hoàng Hoa Thám còn sót lại được người dân địa phương lưu giữ. Ảnh: Ngọc Minh

Một hiện vật được cho là của xưởng Hoàng Hoa Thám còn sót lại được người dân địa phương lưu giữ. Ảnh: Ngọc Minh

Trước đó, tháng 12-1945, tỉnh Bình Định đã lập xưởng Quang Trung tại thôn Bình Hòa, xã An Hảo, huyện Hoài Ân. Thiết bị kỹ thuật của cơ sở này cũng được huy động từ gara của ông Tiếu. Do đó, khi xưởng Hoàng Hoa Thám ở An Khê bị phân tán, các máy móc, thiết bị lại được chuyển về đây.

Như một sự bổ sung và chi tiết hóa thông tin, sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Định (1945-2015)” do Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định cấp phép xuất bản năm 2019, đã ghi chép về sự việc đang bàn. Theo đó, khi mới thành lập, trang bị, vũ khí của Chi đội Phan Đình Phùng cũng như các đơn vị tự vệ địa phương chủ yếu là gươm, đao và một số súng lấy được của địch trong khởi nghĩa.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, sau ngày khởi nghĩa thành công (23-8-1945), Tỉnh ủy Bình Định giao nhiệm vụ cho ông Trần Sỹ Loát (sách “Lịch sử ngành Kỹ thuật Quân khu 5-1945-1975” ghi họ tên ông là Đặng Sĩ Loát-N.V) tập hợp khoảng 100 công nhân cơ khí ở Quy Nhơn, mượn gara ô tô của ông Tiếu, lập cơ sở sửa chữa vũ khí.

Đề phòng địch đổ bộ Quy Nhơn, tháng 10-1945, tỉnh Bình Định quyết định đưa cơ sở này lên An Khê, lấy thêm máy móc ở các xưởng công chính, nhà đèn, nhà máy dệt Do-li-nhông, Đề-pô (Delignon, Depot-N.V) Diêu Trì và của tư nhân ủng hộ, thành lập Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám với khoảng 400 công nhân. Xưởng tổ chức như một đơn vị vũ trang do ông Giáp Văn Cương (nguyên là công chức hỏa xa Quy Nhơn-N.V) chỉ huy, vừa sản xuất vừa luyện tập quân sự.

Lúc đầu, xưởng chủ yếu tập trung sửa chữa, độ chế các loại súng bộ binh, lựu đạn cũ của Pháp, Nhật hỏng hóc do ta thu nhặt từ các nơi gửi về. Thời gian sau, xưởng nghiên cứu chế tạo thành công thuốc đạn và chế thử súng tiểu liên Sten, lựu đạn mỏ vịt kiểu Mỹ.

Tài liệu này còn cho biết: Trước âm mưu mở rộng cuộc hành quân lớn tiến công các tỉnh Tây Nguyên của quân Pháp, tháng 4-1946, xưởng Hoàng Hoa Thám được lệnh chuyển vào trong vùng núi Cửu An (An Khê). Khi quân Pháp tràn xuống An Khê, xưởng buộc phải phân tán. Một số cán bộ, công nhân chuyển qua các đơn vị bộ đội chiến đấu, một số về lại hậu phương tham gia kháng chiến. Đa số thợ lành nghề cùng một số máy móc, thiết bị chuyển sang xưởng Quang Trung ở huyện Hoài Ân.

Những thông tin được dẫn từ 2 cuốn sách kể trên không mang tính phát hiện vì đã được công bố từ lâu. Tuy nhiên, chúng vẫn còn mới, khi mà các tài liệu lịch sử chính thống ở Gia Lai chưa từng nhắc đến. Đây là lý do khiến nhiều độc giả chưa có được sự hiểu biết cần thiết về xưởng quân giới mang tên Hoàng Hoa Thám trên đất An Khê.

Trong buổi đầu kháng Pháp, ngoài lòng yêu nước vô bờ bến, tinh thần quả cảm vô song, quân và dân ta chủ yếu sử dụng vũ khí thô sơ để chống lại lực lượng địch hiện đại, được trang bị tận răng. Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, sự đóng góp của Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám ngay cả khi còn hoạt động trên đất An Khê hay đã trở thành một phần của quân giới Quang Trung tại huyện Hoài Ân đều rất tích cực.

Những vũ khí từ các quân xưởng ấy đã góp phần làm nên hàng loạt chiến thắng trên miền đất lịch sử này, bao gồm cả trận chiến làm nên tên tuổi lẫy lừng của Anh hùng Ngô Mây năm 1947 hay cuộc phục kích tiêu diệt Binh đoàn 100 (GM 100) tại Đak Pơ ngày 24-6-1954.

Tất nhiên, để hiểu về Công binh xưởng Hoàng Hoa Thám đầy đủ và cặn kẽ còn cần thêm nhiều thời gian và công sức. Từ cái tên chính thức của cơ sở quân giới này đến địa điểm tọa lạc lần thứ nhất hay thời điểm di dời đến Cửu An, vụ tai nạn khiến hàng chục người thương vong… đều vẫn còn là những chi tiết mà các tài liệu hiện hữu trình bày chưa thực sự rõ ràng.

Trong tình hình đó, một số dấu tích, hiện vật còn sót lại của xưởng Hoàng Hoa Thám ở Cửu An là rất đáng quý. Chính quyền địa phương và đơn vị chức năng thị xã An Khê, Bảo tàng tỉnh nên tiếp tục sưu tầm, gìn giữ, nghiên cứu để khi hội đủ điều kiện, có thể đưa địa điểm này vào danh mục kiểm kê, từng bước tiến hành xây dựng hồ sơ di tích cấp tỉnh.

Có thể bạn quan tâm