Phóng sự - Ký sự

Chuyện kể từ đại ngàn - Bài 1: Bí ẩn "thuốc giấu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi muốn kể lại câu chuyện ở đại ngàn kỳ bí về một loài cây gầy nhỏ, mong manh nhưng mang sức sống mãnh liệt, tích lũy tinh hoa của trời đất, núi rừng- sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, thay vì từ những người trồng sâm như trước, câu chuyện lần này dưới góc nhìn của các nhà khoa học.

Ít ai biết được rằng, từ xa xưa, đồng bào DTTS tại chỗ đã sử dụng sâm Ngọc Linh để chữa bệnh, với tên gọi "thuốc giấu" hay "ngải rọm con".

Truyền thuyết kể rằng, người Xơ Đăng sống dưới chân núi Ngọc Linh thuộc địa phận  tỉnh Kon Tum đã "mật truyền" một cây "thuốc giấu", có làng, bà con gọi là "ngải rọm con", được lấy về từ núi hiểm, rừng sâu.

Bà Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, một trong những người đặt nền móng cho chính sách bảo tồn, gìn giữ nguồn gen quý của sâm Ngọc Linh trước nguy cơ cạn kiệt bởi khai thác ồ ạt, tận diệt- kể rằng, ngay cả những người già nhất cũng không biết cây "thuốc giấu" có từ khi nào, và đến từ đâu.

Ai cũng chỉ biết, cây “thuốc giấu” là "thần dược" bảo vệ dân làng, chữa lành vết thương do thú dữ, do ma rừng (bệnh tật) của cuộc sống nơi rừng thiêng, nước độc.

 

Bà Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tham quan gian trưng bày sâm Ngọc Linh. Ảnh: HL
Bà Y Vêng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tham quan gian trưng bày sâm Ngọc Linh. Ảnh: HL


Trong làng, khi có người già đau ốm, trẻ em bị bệnh, phụ nữ sinh con, người làng bị rắn rết, thú dữ cắn... đều được các già làng chữa trị bằng "thuốc giấu". Chỉ có các già làng, thầy mo, thầy cúng mới biết được phương thuốc này, và cũng chỉ truyền lại điều bí mật cho người được chọn trước khi nhắm mắt, xuôi tay.

Trải qua bao đời, bí mật về cây "thuốc giấu" luôn được người Xơ Đăng bảo vệ, được trân quý như một báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho họ.

Đến những năm kháng chiến chống Pháp, bí mật về cây "thuốc giấu" bắt đầu được hé lộ, khi các già làng chỉ cho những cán bộ hoạt động nằm vùng tại đây cây thuốc quý chữa sốt rét.

Những cán bộ đã hoạt động tại vùng núi Ngọc Linh vào những năm 1952-1953, như các ông Phan Quyết (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum), Trần Kiên (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum) từng kể lại rằng, già làng đã chỉ cho cán bộ cách mạng một số cây thuốc quý mà dân làng thường sử dụng để hộ thân trong những lúc đi xa, trong đó có cây "thuốc giấu". Sau đó những cây thuốc quý ấy đã được sử dụng khi anh em đau ốm và rất hiệu quả...

Bác sĩ Sô Lây Tăng- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, quê ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei cũng kể lại rằng, từ bao đời, dân làng đã dùng cây "thuốc giấu" để chữa cho người đau ốm nặng, bị rắn cắn, các vết thương và các bệnh thông thường như đau bụng, cầm máu.

Và lớp màn bí ẩn về cây "thuốc giấu" của người Xơ Đăng đã được vén lên từ một  "nhân chứng" được cứu sống bởi “thuốc giấu”. Đó là già Năm- một cựu chiến binh.

Để tri ân dân làng, tri ân mảnh đất Mường Hoong (Đăk Glei) đã cứu sống mình, ông quyết định ở lại, lấy vợ sinh con và gắn bó với nơi đây đến hơi thở cuối cùng (năm 2005).

Điều làm tôi tiếc nuối nhất là khi biết và tìm đến thì già Năm đã về với tổ tiên. Nhưng theo ghi chép của chính ông và vợ con ông kể lại, thì ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê đồng chiêm trũng Nam Hà. Nhập ngũ đầu năm 1967, khi tròn 17 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện ở Ba Vì, Hà Tây, ông cùng đoàn quân lên đường vào Nam chiến đấu.

 

 Cây sâm mọc trên đá trên núi Ngọc Linh. Ảnh: H.L
Cây sâm mọc trên đá trên núi Ngọc Linh. Ảnh: H.L


Ngày ấy, đường hành quân gian nan và sự khốc liệt của chiến trường không làm chiến sĩ ta nản chí, nhưng đều “ngán” sốt rét rừng. Bản thân già Năm đã phải chứng kiến nhiều cuộc ra đi của đồng đội, và luôn phấp phỏng "chờ" đến lượt mình...

Trong cuốn sổ tay ghi chép mà ông giữ như báu vật (tiếc rằng vào năm 2009, khi chúng tôi tìm đến thì đã bị thất lạc), có viết: Vào một ngày cuối năm 1967, sau khi vượt đỉnh Ngok Pâng ở vùng H80 Kon Tum, đến thung lũng Mường Hoong dưới chân núi Ngọc Linh thì tôi bị sốt rét rừng quật ngã.

“Tôi không thể nào quên được buổi chiều hôm đó, đơn vị vừa dừng chân, tôi bỗng thấy bầu trời vàng ệch, núi rừng chao đảo, những cơn đau đầu dữ dội và rét run bần bật. Sau đó mê man bất tỉnh.” - ông viết.

Ông không biết mình đã mê man mấy ngày, nhưng khi tỉnh lại cảm giác đầu tiên là hơi ấm nồng nàn, mở mắt ra ông thấy một cô gái Xơ Đăng đang áp làn môi vào miệng ông mớm cho ông một thứ nước đăng đắng, nhưng nuốt xong lại nhẩn ngọt ở họng.

Sau khi tỉnh dần, ông được bà con cho ăn cháo ngô non, thịt chuột khô, rau rừng và tiếp tục uống thứ nước được sắc từ loại củ rừng có vị đắng ngọt như từ làn môi nồng ấm của cô gái mớm cho ông hôm trước. Và rồi, sức khỏe của ông hồi phục nhanh chóng.

Ông đuổi kịp đơn vị trong sự mừng rỡ và ngạc nhiên của đồng chí. Theo họ, hôm ấy thấy ông không thể nào qua khỏi nên đơn vị đã gửi lại cho dân ở vùng căn cứ và tiếp cuộc hành quân. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu ở chiến trường B3.

Khi giải phóng, ông về quê với nỗi lòng canh cánh khôn nguôi. Sau nhiều đêm trăn trở, ông kể hết câu chuyện cùng gia đình và xin phép bố thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi đeo ba lô quay lại Mường Hoong, tìm lại làn môi nồng ấm năm xưa và ông đã gửi trọn phần đời còn lại của mình cho Mường Hoong- nơi có thứ cây đắng đã sinh ra ông lần thứ hai.

Từ đó, ông sống yên vui, gắn bó với dân làng. Sáng sáng vai  mang k’lek, tay cầm chà gạc lên rừng, vào rẫy, xuống suối. Đêm đêm lại quây quần bên bếp lửa bàn chuyện làm ăn. Mọi người trong làng gọi là già Năm.

Sau này ông biết, cây thuốc đăng đắng nhưng hậu vị lại nhẩn ngọt ấy được gọi là sâm Ngọc Linh, rất có giá trị y học lẫn giá trị kinh tế.

Nhưng khi ấy thì đã khó kiếm rồi!

 

(Còn nữa)

Theo Hồng Lam (baokontum)

https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/chuyen-ke-tu-dai-ngan-bai-1-bi-an-thuoc-giau-26402.html

 

Có thể bạn quan tâm