Nhiều tháng qua, trong khi hầu hết các địa phương ở Tây Nguyên đều có mưa thì tại huyện M'Đrắk (một huyện phía Đông của tỉnh Đắk Lắk) lại đang đối mặt với hạn hán. Nghịch lý này đang khiến hàng trăm ha cây trồng của người dân nơi đây có nguy cơ mất mùa.
Mặc dù nhiều tháng qua, tại Tây Nguyên mưa tầm tã nhưng ở công trình thủy lợi Ea K'Tung Xây (xã CưMta, huyện M’Đrắk) người dân vẫn "canh nước" để cứu lúa. Ông Ma Hiếu, ở buôn Năng, xã CưMta nói với chúng tôi: “1,4 sào lúa nước của gia đình đang vào thời kỳ làm đòng thì bị khô hạn, mặt ruộng nứt nẻ. Nhiều ngày qua, gia đình đã phải dựng lều bên hồ để canh nước bơm lên cứu lúa".
Ông Ma Hiếu ở buôn Năng xã CưMta đang túc trực bơm nước chống hạn cho lúa. Ảnh: Tiến Ninh |
Nắng nóng cùng với gió khiến nước vừa bơm lên đã muốn khô ngay. Trong khi đó, nhiều người dân xung quanh cũng cần nước nên mình không thể giành bơm một mình. Tính ra mỗi ngày tôi mất gần 300.000 đồng để cứu lúa nhưng cũng chưa chắc được ăn".
Theo chính quyền địa phương, hiện đập Ea K'Tung Xây chỉ khoảng 1/4 dung tích so với thiết kế. Điều này đồng nghĩa với việc hàng chục ha lúa tại các buôn Năng, buôn Gõ và thôn 18 (xã CưMta) có nguy cơ mất trắng.
Tại xã Cư Króa, tình hình khô hình khô hạn còn khốc liệt hơn. Ông Trần Tiến Ngôn, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết, 150 ha lúa nước đang đến thời kỳ làm đòng (rất cần nước) nhưng các ao, hồ và các đập thủy lợi nước đã cạn kiệt, bà còn có muốn cứu lúa cũng không có cách nào ngoài cách... nhờ trời.
Đập thủy lợi 01 ở xã CưKróa cạn khô trơ đáy. Ảnh Tiến Ninh |
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện M'Đrắk, hiện nay nhiều công trình đã cạn đáy và hầu hết công trình mực nước còn lại không đáng kể, chỉ duy trì tưới trong vài ngày tới, nếu không có mưa thì việc chống hạn rất khó khăn. Hàng chục công trình thủy lợi như Ea Mróa, Ea K'Tung, Ea Kpal, Ea Bôi, Earê..., nước không thể tự chảy. Đặc biệt, hồ thủy lợi Cư Króa 1 hiện trơ đáy, không còn nước để bơm.
Cũng theo báo cáo của Phòng nông nghiệp và PTNT huyện M'Đrắk, toàn huyện đã có hơn 600 ha cây trồng bị hạn. Trong đó, gần 2/3 diện tích này là cây lúa nước đang thời kỳ làm đòng, nếu không có nước tưới thì rất dễ mất trắng.
Các xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Krông Jing, CưMta, CưKróa, EaTrang và thị trấn M'Đrắk.
Đập thủy lợi 01 ở xã CưKróa cạn khô trơ đáy. Ảnh Tiến Ninh |
Ông Y Bới Byă, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Trước tình hình hạn hán hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã và thị trấn tập trung hỗ trợ nông dân chống hạn, điều tiết lịch bơm tưới luân phiên một cách hợp lý, hướng dẫn bà con tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tránh thất thoát nguồn nước".
Cũng theo ông Y Bới Byă, huyện đã hỗ trợ mua mới 5 máy bơm có công suất 26 mã lực và dầu để bơm nước cho bà con trong vùng hạn. Đồng thời huyện cũng đã làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ kinh phí phòng chống hạn.
Duy Hậu-Tiến Ninh (Dân Việt)