TN - Đất & Người

Chuyện làm giàu của cựu binh Nguyễn Quang Ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trở về từ chiến trường, cựu binh Nguyễn Quang Ninh (làng Ktò, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) luôn cố gắng vượt mọi khó khăn, vươn lên làm giàu.

Không nguôi nhớ về đồng đội

Trò chuyện cùng tôi bên hiên nhà vào một buổi sáng đầu xuân, ông Ninh đưa đôi mắt nhìn xa xa nói: “Chẳng biết có điềm gì không nhưng tự dưng cách đây 3 hôm, tôi lại nằm mơ thấy cảnh mình cùng đồng đội bị trực thăng địch rượt đuổi…”. Có lẽ, lần bị địch càn quét, truy đuổi rát rạt vào năm 1972 tại chiến trường Tây Nam bộ đã trở thành nỗi ám ảnh mãi không thể nào xóa được trong ký ức của người cựu binh này.

 

 Ông Ninh trầm ngâm nhớ về đồng đội. Ảnh: P.L
Ông Ninh trầm ngâm nhớ về đồng đội. Ảnh: P.L
Ông Vũ Văn Tịnh-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kon Gang: “Ông Ninh là một hội viên tích cực, có ý chí làm giàu, là người tiên phong trong phong trào cựu binh chăm lo phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ chăm chỉ làm ăn, ông Ninh còn giúp đỡ cho nhiều gia đình khác về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Ông Ninh tham gia đội du kích thuộc Tỉnh đội Long An vào năm 1970. Trong suốt những năm tham gia kháng chiến, không ít lần đơn vị của ông bị địch càn, rượt đuổi. Tuy nhiên, trận càn vào ngày 17-5-1972 là khốc liệt, tàn ác nhất khi đơn vị của ông gần như bị xóa sổ hoàn toàn. “Hôm ấy, đồng đội của tôi người thì hy sinh, người bị bắt sống. Chỉ một số người chạy thoát sang tới Campuchia, trong đó có tôi”-ông Ninh nghẹn ngào chia sẻ.

Không nguôi nỗi nhớ đồng đội, ông Ninh tự nhận trách nhiệm phải đưa hài cốt những người bạn chiến đấu đã ngã xuống về lại quê hương. “Năm 2000, khi ra quân trước khi vào Gia Lai lập nghiệp, tôi vẫn cố gắng mang theo hài cốt của các đồng đội đưa về quê nhà. Có lần, một gia đình đồng đội nhờ tôi dẫn đường vào chiến trường xưa để tìm hài cốt. Lúc đó dù là ngày giỗ cha nhưng tôi vẫn lên đường, dẫn họ đến tận nơi rồi theo về quê hương của người đồng đội ấy”-ông Ninh xúc động.

Vươn lên làm giàu

Khi đến Gia Lai lập nghiệp, ông Ninh chỉ có vỏn vẹn 20 triệu đồng từ việc bán tài sản ở quê nhà (tỉnh Bắc Giang). Cuộc sống những năm đầu nơi đất lạ của gia đình ông gặp vô vàn khó khăn nhưng ông luôn tự nhủ mình phải vững tâm hơn, cố gắng hơn.

Hiện nay, giữa bạt ngàn cây trái, khu chuồng trại nuôi heo của ông Ninh trở nên nổi bật với quy mô khá lớn. Đây là mô hình nuôi heo nạc liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Để tham gia mô hình này, ông Ninh đã đầu tư 780 triệu đồng xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn, có đầy đủ hệ thống thông hơi, làm mát, hệ thống nước. Phần còn lại, phía Công ty liên kết sẽ cung cấp toàn bộ giống, thức ăn, thuốc thú y cũng như bao tiêu 100% đầu ra. “Tham gia mô hình này, người nông dân rất nhàn. Nhà tôi mỗi lứa nuôi khoảng 600 con heo nhưng chỉ cần 1 công lao động. Việc chăm sóc cũng đơn giản, không phải lo về nguồn thức ăn; heo bị bệnh đã có bác sĩ thú y của Công ty trực tiếp đến khám và cho thuốc. Cái khó là heo nuôi trong vòng 5 tháng theo quy trình nghiêm ngặt, phải đảm bảo đạt đủ trọng lượng, đủ độ nạc theo yêu cầu”-ông Ninh chia sẻ. Trung bình mỗi năm, ông Ninh xuất 1.200 con heo, lãi hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ vậy, việc nuôi heo còn giúp ông Ninh tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón cho vườn cà phê 1.500 cây của mình. Nhờ nguồn phân chuồng có sẵn mà mỗi năm ông chỉ phải đầu tư khoảng 22 triệu tiền phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây. Vì vậy mà lợi nhuận thu về từ cây cà phê cũng tăng lên đáng kể, trung bình khoảng 200 triệu đồng/năm. Mới đây, người cựu binh này còn đào 1.000 m2 ao để nuôi cá lóc.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm