Xã hội

Chuyện nghề dịp Tết ở Phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng Chạp, những người làm nghề phục vụ Tết ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) căng mình chạy đua với thời gian như đếm ngược. Nhưng cũng có những nghề thưa vắng khách, dù mỗi năm đến hẹn chỉ một lần.
1. Mới hơn 5 giờ sáng, cơ sở mua bán, giết mổ gia cầm nằm bên vỉa hè đầu con hẻm 283 Nguyễn Văn Cừ của vợ chồng anh Trần Văn Quang đã hoạt động. Xung quanh những lồng gà vịt, chim câu ra ràng đầy cứng, khách hàng mặc cả bán mua, thuê giết mổ làm rộn cả góc phố.
Đã trở thành quy luật, cứ độ tháng Chạp, hoạt động cúng kiếng diễn ra ở tất cả mọi nhà. “Từ năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá thịt heo giữ ở mức cao, trong khi đó, thịt gia cầm lại bình ổn ở mức giá thấp nên tiêu thụ khá mạnh. Những ngày cuối tháng Chạp, nhân lực phục vụ bán mua, giết mổ của cơ sở chúng tôi tăng từ 2 lên 5 người. Tôi còn phải đem hàng đến giao tận nhà cho khách; thời gian làm việc kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt mà vẫn chưa hết việc”-anh Quang cho biết.
Các cơ sở giết mổ thịt gia cầm khu vực chợ Bà Định (phường Yên Đổ) cũng tấp nập không kém. Dù được “hiện đại hóa” từ bình đun nước bằng điện đến máy vặt lông cỡ bự, với 3 người làm việc không ngơi tay mà khách vẫn phải ngồi chờ đông kín ở cơ sở giết mổ gia cầm 13 Tô Hiến Thành.
Chủ cơ sở Võ Thị Nga cho biết: Từ mùng 3 tháng Chạp, các cơ sở giết mổ gia cầm ở Pleiku đồng loạt tăng thêm 5.000 đồng/con. Theo đó, có giá giết mổ, làm sạch lông 15.000 đồng/con gà, 20.000 đồng/con vịt ta, 25.000 đồng/con vịt xiêm...
Anh Nguyễn Thế Phương (131 Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku) cặm cụi đánh bóng đồ đồng. Ảnh: Đình Phê
2. Tôi tìm đến địa chỉ 44 Trần Phú, cơ sở bán đồ đồng thờ cúng truyền đời 2 thế hệ để gặp anh Nguyễn Đức Thành. 8 giờ sáng, anh vẫn còn loay hoay dọn hàng ra bán. Anh Thành phàn nàn: Cả năm nay hàng họ bán ra ế ẩm quá thể, ngày giáp Tết tình hình cũng chẳng khá hơn, mà thuế lại tăng. Nếu hàng bán ít bởi lý do suy thoái kinh tế chung thì chưa hẳn, vì gia đình chúng tôi kinh doanh mặt hàng thờ cúng-nhu cầu chẳng đặng đừng ở phần nhiều gia đình kia mà!
Đón Tết, cùng với dọn dẹp trang hoàng nhà cửa thì việc chăm chút bàn thờ tổ tiên là quan trọng hàng đầu. Anh Nguyễn Thế Phương làm nghề đánh bóng đồ đồng (131 Đinh Tiên Hoàng) cho biết: “Mọi năm, từ rằm tháng Chạp, khách mang đồ đồng thờ cúng đến thuê đánh bóng đông đến mức phải khéo léo chối từ, chỉ nhận của khách hàng truyền thống. Thế mà năm nay, cuối tháng Chạp mà vẫn nhận lai rai hàng của khách mối. Công việc kéo dài chừng 6 giờ/ngày, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 15 giờ đã hết việc”.
Trao đổi qua điện thoại với Dịch vụ nhà sạch Thủy Tiên (55/32 Phan Đăng Lưu), tôi lại nghe lời ca cẩm tương tự về tình trạng khách hàng không tăng đột biến như mọi năm dù giá dịch vụ không hề tăng. “Mọi năm độ từ sau rằm, đội ngũ nhân viên nhà sạch cơ sở chúng tôi tăng từ 6 đến 7 người lên 10 đến 11 người, xếp kín lịch làm việc cho đến chiều 30 Tết. Thế mà năm nay thì vẫn túc tắc như mọi ngày trong năm”-chị Vũ Thanh Thủy chia sẻ.
ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm