(GLO)- Nói đến những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng được ưa thích không thể không nhắc đến “Bí mật một khu rừng” của nhà văn Hoàng Bình Trọng. Tính đến nay, tác phẩm này đã được tái bản đến 9 lần. Mặc dù ông đã có 9 tiểu thuyết, 6 tập thơ, 2 trường ca và 5 tập truyện ngắn xuất bản nhưng nói tới Hoàng Bình Trọng, người ta vẫn thường nghĩ đến “Bí mật một khu rừng”.
Nhà văn Hoàng Bình Trọng (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Bỗng dưng thành... nhà văn
Năm 1963, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng Bình Trọng được điều về công tác tại Đoàn Địa chất 20. Trong một lần đi điều tra tài liệu cho công trình bản đồ địa chất miền Bắc, đoàn tìm tới bản Chiềng Khoang để nghỉ chân. Thế nhưng khi đến nơi thì bản đã biến đâu mất, chỉ còn trơ dấu tích những nền nhà cũ. Vừa đói vừa mệt nhưng họ cũng không còn cách nào hơn là phải tìm cho được nhà dân. Được một quãng, nhìn lên sườn núi chợt thấy ánh đèn le lói, cả đoàn mừng rỡ giục nhau đi mau tới đó. Tưởng gặp bản, hóa ra chỉ là một căn nhà sàn biệt lập. Ngọn đèn đang cháy và vật dụng trong nhà cho thấy có người ở nhưng không biết họ vừa đi đâu. Tuy hồ nghi và đoán già đoán non đủ chuyện nhưng trời đã tối lại mưa, mọi người quyết định cứ liều ở lại.
Sáng hôm sau, đoàn dậy sớm nấu cơm ăn rồi tiếp tục lên đường. Vừa ra khỏi cổng thì thấy một ông già và cô gái trẻ đang tiến lại. Đó là những chủ nhân của ngôi nhà-ông Lò Văn Páo và con gái Lò A Nhi. Đang tò mò, mọi người xúm vào hỏi chuyện. Một thoáng ngần ngừ, ông Páo kể cho mọi người nghe vì sao cha con ông phải sống biệt lập nơi đây.
Lò Văn Páo trước kia ở bản Chiềng Vả. Trong bản có một lão thầy mo rất ác. Ngày A Nhi ra đời, có một người không may bị sét đánh chết. Sẵn có mối ác cảm với ông Páo, lão thầy mo bèn vu cho vợ ông đẻ ra “ma gà”. Tin là thật, cả bản tuyệt giao khiến vợ ông, mới sinh con được 10 ngày, phải theo chồng đi đào củ mài rồi cảm lạnh mà chết. Càng tin lời thầy mo, dân bản đòi chôn sống A Nhi nhưng ông Páo quyết không cho và mang con đến bản Chiềng Khoang xin ở. A Nhi càng lớn càng xinh đẹp, tiếng đồn khắp vùng khiến lão thầy mo càng tức tối. Lão tìm đến Chiềng Khoang, rắc phốt pho vào vườn nhà ông rồi tung tin A Nhi là con “ma gà” bên bản Chiềng Vả trốn sang đây. Ban đêm thấy vườn ông Páo lòe lên những tia sáng nhảy nhót như ma trơi, dân làng tin ngay. Họ hốt hoảng dời bản và đuổi cha con ông. Không còn cách nào khác, ông Páo đành dẫn con lên sườn núi làm nhà sống cô độc từ bấy đến giờ…
Nghe câu chuyện cảm động, đoàn quyết định tìm đến bản Chiềng Khoang. Nhưng vừa thấy mặt thì nhà nào cũng đóng sập cửa vì biết họ vừa từ nhà con “ma gà” đến đây. Hoàng Bình Trọng nghĩ ra cách: Trước hết phải tiếp cận với đám trẻ con để tìm hiểu tình hình. Ông vẽ tranh, làm xiếc để dụ chúng. Tò mò, người lớn cũng dần dần kéo đến xem. Nhân cơ hội, ông làm các thí nghiệm đơn giản về chất phốt pho và giải thích cho dân làng. Cuối cùng thì họ đã hiểu thủ đoạn của lão thầy mo và đồng ý cho cha con ông Lò Văn Páo về bản ở…
Năm 1967, Hoàng Bình Trọng được điều về dạy Trường Trung cấp Địa chất sơ tán ở Phúc Yên. Những lúc rỗi rãi, ông thường đem chuyện trên Tây Bắc kể cho sinh viên nghe, trong đó có chuyện cha con A Nhi bị thầy mo vu là “ma gà”. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi bấy giờ cũng đang dạy học ở đó, khi nghe được rất thích. Ông muốn viết nên nhờ Hoàng Bình Trọng kể lại cho nghe thật chi tiết, kể cả những chuyện cán bộ địa chất mang áo, đội mũ như thế nào, động tác cầm búa ra sao… Thế nhưng bắt tay vào viết thì bị “đổ”. Một lần lên Nhà Xuất bản Kim Đồng chơi, Nguyễn Bùi Vợi kể với ông Nguyễn Quỳnh, cán bộ biên tập rằng Hoàng Bình Trọng có một chuyện rất hay như thế. Ông Quỳnh nghe cũng rất thích bèn mời Hoàng Bình Trọng lên ký hợp đồng và cho ứng trước 400 đồng (hơn nửa năm lương của kỹ sư mới ra trường lúc đó). Lúc đầu, Hoàng Bình Trọng cũng phân vân vì không biết viết có nổi không, nhưng rồi nể Nhà Xuất bản quá, cuối cùng ông cũng nhận lời. Hoàng Bình Trọng kể: Cứ tưởng câu chuyện đã có thế rồi thì chỉ việc thể hiện lại. Nào ngờ khi bắt tay vào việc lại rất chật vật, “đổ” lên “đổ” xuống mấy lần. Mãi rồi mới tìm được lối ra. Mạch văn được khai thông, chưa đầy một tháng ông đã hoàn thành bản thảo. “Bí mật một khu rừng” được in ngay sau đó với con số kỷ lục 45.000 bản; được tổ chức hội thảo như một sự kiện văn học và Hoàng Bình Trọng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác phẩm “Bí mật một khu rừng” của nhà văn Hoàng Bình Trọng. Ảnh: internet |
Một đời “cày bừa ruộng văn”
Năm 1971, Hoàng Bình Trọng vào bộ đội theo lệnh tổng động viên. Năm 1976, ông được xuất ngũ, về làm biên tập Tạp chí Đất Tổ của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú. Một thời gian sau, Bình Trị Thiên tách tỉnh. Nghĩ tuổi già “lá rụng về cội” nên ông xin về Tạp chí Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình). Nào ngờ công tác tổ chức trục trặc, vậy là ông bỗng dưng thất nghiệp. Để kiếm kế sinh nhai, ông lang thang vào tận Đồng Nai đào hố cà phê thuê. Một chiều đang còng lưng cuốc hố, chiếc radio ông mang theo để giải buồn bỗng vang lên chương trình đọc truyện thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông thích thú quay sang hỏi mấy thanh niên cùng làm thuê:
- Này các chú, có biết Hoàng Bình Trọng viết truyện đang đọc trên đài là ai không? Là tớ đây này!
Nhìn khuôn mặt đẫm mồ hôi lấm lem bụi đất của ông, cả đám bò ra cười. Cười chán, một cậu nói:
- Phải, ông cũng là Hoàng Bình Trọng nhưng mà là Hoàng Bình Trọng dỏm. Đừng tưởng mình trùng tên mà lừa được bọn này nhé. Nhà văn mà lại đi đào hố cà phê như ông à!
Sau thời gian lang thang làm thuê, thấy khó lòng trụ nổi, ông đành bỏ về quê vợ. Được họ hàng cho một mảnh đất nhỏ, vợ chồng ông làm căn nhà tạm để tá túc. Tuy nhiên, kế sinh nhai thì vẫn chưa biết thế nào. Để có cái đắp đổi qua ngày, ông quyết định lên rừng lấy củi bán. Một lần đụng kiểm lâm, ông bị giữ củi vì chưa đóng thuế cửa rừng. Không có cách nào khác, ông đành nhắn vợ mang tiền lên nộp. Trong lúc ngồi chờ, có lẽ thấy cái vẻ tội nghiệp của ông, một kiểm lâm viên còn trẻ đến hỏi chuyện làm quen. Nghe nói ông ở Quảng Hòa, cậu ta hỏi ông có biết nhà văn Hoàng Bình Trọng không. Bấy giờ mà nói mình chính là Hoàng Bình Trọng thì kỳ quá, lại vốn tính ưa hài hước, ông cười khà khà bảo: “Biết chứ. Thì cái lão Trọng ấy cũng khốn khó, cũng phải lên rừng lấy củi kiếm ăn như tớ đây thôi!” Nghe vậy, cậu ta cười ngất: “Bác cứ đùa. Làm nhà văn mà phải đi nhặt củi kiếm ăn thì còn ai dám làm nhà văn nữa”. Vừa lúc đó, vợ ông đạp xe tới. Vốn tính thật thà, chất phác, chị nói lớn: “Sao anh không cho họ biết mình là nhà văn Hoàng Bình Trọng. Biết đâu người ta nể mà cho lại củi?”. Cậu kiểm lâm viên ngớ người. Hoàng Bình Trọng được mời vào trạm uống nước, hỏi han. Rồi không chỉ trả lại củi, họ còn cho ông thêm mấy gánh nữa, lại cho xe công nông chở đến tận nhà.
Sau quãng thời gian kiếm sống cơ cực kiểu như vậy, Hoàng Bình Trọng cũng được Tạp chí Nhật Lệ nhận hợp đồng làm chân biên tập với lương tháng 300 ngàn đồng. Còn nhớ, năm 1997, tôi gặp ông ở trại sáng tác. Trong lúc chúng tôi chơi nhiều hơn là viết, được đồng nào trại cho đem uống bia hơi bằng hết thì ông, trong tiết trời nóng bức tháng 6 của Hà Nội, vẫn cứ cặm cụi trên từng trang giấy từ sáng tới khuya. Thấy tôi ái ngại, ông bảo: “Tớ không chỉ viết nuôi mình, còn phải viết để nuôi vợ nuôi con nữa…”. Mới mừng cho ông, được một thời gian thì nghe ông mất việc ở Tạp chí Nhật Lệ vì khâu biên chế. Lại trở về quê với vợ sống nhờ thơ văn với những đồng nhuận bút còm. Cũng may dạo này các con ông đã trưởng thành, thỉnh thoảng cũng được nhờ tí chút…
Tôi biết, thời ông là kỹ sư, Phó đoàn địa chất, lãnh đạo mấy trăm con người thì bạn ông có người chỉ mới học sơ cấp mà sau này làm quan rất to. Giá không mê văn chương mà cứ trở về trường, có lẽ bây giờ ông cũng là giáo sư tiến sĩ, có kém gì ai. Nhưng mà cái nghiệp văn là thế, như ông vẫn tự trào: “Vì không có chí làm vua/Nên trời bắt tớ cày bừa ruộng văn”.
NGỌC TẤN