Du lịch

Chuyện nhà văn đi... nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây mấy năm, tôi có dịp đi Singapore và Malaysia cùng đoàn nhà văn Việt Nam. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi cùng các nhà văn, những người được coi là nửa... tinh hoa, nửa ngơ ngác nên xảy ra nhiều chuyện bi hài. Đây là vài ghi vặt của chuyến đi ấy.
 Các nhà văn Việt Nam trước Tháp đôi Malaysia. Ảnh: V.C.H
Các nhà văn Việt Nam trước Tháp đôi Malaysia. Ảnh: V.C.H
Đoàn gồm 10 người, ngay buổi sáng đầu tiên đã khối chuyện vui. Nhà thơ Trần Trương là người cẩn thận nhất, cẩn thận đến nỗi cất kỹ hộ chiếu vào... va li và chuẩn bị ký gửi, đến lúc cần đến hộ chiếu thì mới... cuống lên. Giữa phòng đợi sân bay, ông hì hụi giũ tung va li ra để tìm hộ chiếu, trong khi nhà văn Tôn Ái Nhân thì “mọi khi tớ tắt điện thoại được mà sao hôm nay tắt không được, hộ tớ tí”. Trước đấy, ông đến muộn để phụ trách đoàn phải mắng, nhưng là mắng... nhầm. Chuyện là, trong khi mọi người đang chờ ông Tôn Ái Nhân thì có một ông lò mò xách va li lên xe, thế là cô phụ trách đoàn trách: “Bác là trưởng đoàn mà đi muộn nhé, bắt tất cả anh em phải chờ nhé…”. Chả nghe nói gì. Lát sau, xe đến bờ đê thì có tiếng điện thoại, rồi người ngồi ghế cuối cùng kêu lên thống thiết: “Các bác ơi, đang còn người ở Nhà hát lớn!”. Hốt hoảng, xe ngừng ngay tức thì, điểm danh thì thấy đủ cả. Tra vấn mãi thì ông ngồi cuối cùng, người vừa lên xe lúc nãy, lên tiếng: “Ơ thế không phải đoàn ta đi Mũi Né à?”. Cười ào ào rồi dừng xe cho ông ấy xuống. Thì ra ông này đi nhầm xe nên lúc nãy phải chịu phê bình thay Tôn Ái Nhân. Chưa kể, trước đó nhà thơ Chu Thị Thơm kỳ cạch cả đêm sạc pin máy ảnh, đến khi lên xe, chị chìa ra một cái máy ảnh nhưng… không có pin, tức là pin vẫn còn đang cắm trong sạc ở khách sạn. Nhân đấy chị kể chuyện hôm nhà thơ Phạm Thị Minh Thông hỏi số điện thoại của một ai đó ở một nhà xuất bản để liên hệ, Thơm cẩn thận lấy giấy bút ghi số điện thoại rồi gọi lại cho Thông. Thông theo số ấy bấm mãi không được bèn gọi lại cho Thơm. Trao qua đổi lại một hồi thì té ra là Thơm đã đọc đúng số của Thông cho Thông.
Rợn ngợp, phải nói chính xác là như thế khi chạy trên đường cao tốc và vào thăm khu thủ phủ mới của Malaysia. Giữa lòng thành phố, họ nghiên cứu đào một con sông nhân tạo đủ để trên đó làm mấy cây cầu rất lớn, rất hiện đại mà lại rất mảnh mai vắt vào trời xanh một dáng phất phơ như chiếc lược, như một cánh buồm mỏng dính làm xô lệch cả một góc trời Kuala Lumpur. Chưa hết, còn bao nhiêu khúc bao nhiêu đoạn bao nhiêu điểm nhấn chỉ để làm mỗi một việc: Khách du lịch khắp nơi trên thế giới nườm nượp đổ vào xem, chụp ảnh, mua sắm, ăn uống… là thấy cái sức nghĩ sức sáng tạo của người Mã Lai kinh rồi. Rồi toàn bộ các tuyến phố sạch như lau như ly, như tự nó sinh ra đã bóng bẩy như thế dù rất nhiều cây xanh và cũng rất nhiều lá vàng nghiêng nghiêng trút xuống chiều làm cho mấy gã nhà thơ cứ rồ lên như thấy trời sập. 
Nhưng ở Malaysia khi ăn xong thường không có... tăm. Mà đã xỉa răng quen rồi giờ ăn xong không có cây tăm thì khó chịu và khổ vô cùng. Ăn xong, nhà thơ Trần Trương dõng dạc: “Cháu ơi tăm”. Chả ai động tĩnh gì, ông sực nhớ bèn chơi tiếng… Pháp bồi: “Lơ tăm”. Nó lại càng không hiểu, ông phải lấy tay xỉa xỉa vào răng mình… Sau đấy thì kiếm được gói tăm, giao hẳn cho nhà thơ Lâm Xuân Vi giữ, mỗi bữa ăn phải mang theo, nhưng phần lớn là ông quên. Lúc đi tham quan thì ông mang tăm, khi ăn thì ông lại để ở nhà, thế là Trần Trương lại phải thường xuyên tiếp diễn món… lơ tăm. Tất nhiên, khi tiếp viên nhà hàng không hiểu thì mọi người phải xúm vào tiếp sức và về cơ bản, để có được một cây tăm xỉa theo thói quen thì phải mất khá nhiều... chất xám.
Lại nhớ lần ngồi với nhà văn Sương Nguyệt Minh và Lê Quang Sinh, nghe 2 ông kể về chuyến vừa đi Ba Lan, Ý, Đức, Monaco và Pháp mới thấy rất... hoàn cảnh. Ví dụ, khi đến sân bay Frankfurt (Đức), sau khi nói một hồi tiếng Anh mà không ai hiểu ai, các cô làm thủ tục mặt đất bèn ra lệnh: “Sit here!”, 2 ông hiểu ý bèn ngồi im. 15 phút sau, có một cái xe điện do một cô gái tóc vàng rất xinh đẹp lái đến. Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo, 2 ông đã được đưa gọn vào trong xe, lúc này mới thấy có ký hiệu… người tàn tật cần giúp đỡ ở thành xe. Nhờ trở thành “người tàn tật” mà 2 ông được cô gái lái xe điện dìu ra tận cầu thang máy bay để bay đến sân bay Charles de Gaulle (Pháp) giữa cái sân bay mênh mông với hàng trăm cửa lên xuống ra vào máy bay rộng hàng ngàn héc ta trong hoàn cảnh tiếng Anh ai nói nấy... hiểu, tiếng Pháp gần bằng không, còn tiếng Đức thì đúng là... đứt bóng.
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm