Bạn đọc

Chuyển nhầm tiền "Khoản nợ" khó đòi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ vì một chút lơ đễnh trong giao dịch chuyển tiền, chị Trần Thị Quý Phúc (14 Lê Lợi, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã chuyển nhầm số tiền từ 5 triệu đồng thành 50 triệu đồng cho khách hàng. Giờ đây chị như ngồi trên đống lửa, tiền đã gửi đi, khách hàng cũng đã rút sạch mà không biết cách nào và bao giờ mới lấy lại được số tiền đã chuyển nhầm.

Chuyển 5 triệu đồng thành 50 triệu đồng

Chị Trần Thị Quý Phúc cho biết sự việc nhầm lẫn nói trên diễn ra vào lúc 17 giờ 18 phút ngày 23-6-2015, khi chị có giao dịch chuyển tiền trực tuyến cho khách hàng tên Phạm Tuấn Anh với số tiền 5 triệu đồng vào tài khoản số 0031001193537 của Ngân hàng Vietcombank-Chi nhánh Hải Phòng cho chủ tài khoản là Phạm Thị Thu Trang.

 

Chị Quý Phúc trao đổi sự việc với phóng viên. Ảnh: L.N
Chị Quý Phúc trao đổi sự việc với phóng viên. Ảnh: L.N

Trong quá trình thao tác, chị Phúc đã chuyển nhầm số tiền từ 5 triệu đồng thành 50 triệu đồng. Khi phát hiện mình chuyển nhầm số tiền lớn nói trên, chị Phúc vội vàng gọi điện thoại nói với khách hàng Phạm Tuấn Anh thông báo là mình đã chuyển nhầm số tiền trên. Điều bất ngờ là vị khách hàng này nói với chị rằng “em không biết, em chỉ đi chuyển giùm, có gì thì chị gọi cho ông anh của em”. Nghe vậy, chị Phúc liền gọi điện cho “ông anh” nói trên thì người này đề nghị “thôi để tôi trả góp cho chị mỗi tháng 5 triệu đồng”.

Đến lúc này, chị Phúc hiểu rằng số tiền của mình đã bị vị khách nói trên cố tình chiếm dụng. Ngay lập tức, chị đến Ngân hàng Vietcombank-Chi nhánh Gia Lai để trình báo vụ việc. Tại đây, do đã hết giờ làm việc nên nhân viên ngân hàng hẹn chị Phúc sáng hôm sau đến sớm gặp Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ để giải quyết; trong khoản thời gian này họ sẽ giúp chị giữ lại số tiền là 45 triệu đồng.  

Tuy nhiên, sáng 24-6, khi gặp được Trưởng phòng Kinh doanh thì người này lại nói với chị là theo quy định không ai có quyền khóa tài khoản của khách hàng với bất cứ lý do gì. Lúc này, nhân viên Ngân hàng tiếp tục hướng dẫn chị thêm một cách nữa là đến Công an phường Hội Thương (TP. Pleiku) khai báo và xin xác nhận việc chị chuyển nhầm tiền. Thế nhưng “khi tôi đưa giấy xác nhận đến nộp thì Trưởng phòng lại bảo giấy này không có giá trị, bảo tôi đến yêu cầu Công an phường ra một văn bản yêu cầu phong tỏa tài khoản tên Phạm Thị Thu Trang thì họ mới hỗ trợ”- chị Phúc nói.

Một lần nữa, chị quay trở lại Công an phường, lần này có thêm chữ ký xác nhận của người khách đã nhờ chị chuyển tiền nhưng người Trưởng phòng này vẫn nói “giấy này cũng không có giá trị gì”. Đồng thời, người này còn nói với chị rằng “việc của chị, tôi đã gửi văn bản đi rồi, để ngoài trung tâm dịch vụ người ta xử lý, còn tài khoản của người được hưởng thì tôi phải thả ra chứ tôi không khóa, nếu khóa người ta sẽ kiện”.

 

Luật sư Hoàng Gia Đoán-Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Gia Luật (TP. Pleiku): Trường hợp chủ thẻ nhận số tiền nhầm lẫn này không chịu trả, chị Phúc có quyền làm đơn tố cáo việc cố ý chiếm giữ tài sản trái phép theo Điều 141 Bộ luật Hình sự. Nếu trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì chị có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo Khoản 1, Điều 59 Bộ luật Dân sự yêu cầu hoàn trả số tiền chuyển nhầm thuộc quyền sở hữu của chị theo quy định.

“Cá nhân không thể yêu cầu phong tỏa tài khoản”

Đem những bức xúc của chị Trần Thị Quý Phúc trao đổi với đại diện phía Ngân hàng Vietcombank-Chi nhánh Gia Lai, nơi chị đến trình báo vụ việc, ông Nguyễn Ngọc Thủy-Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Kinh doanh dịch vụ-cho biết: Trong trường hợp này, chị Phúc đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người không chịu hợp tác, cố tình muốn chiếm dụng số tiền trên.

Ông Thủy lý giải: “Theo quy định, muốn phong tỏa tài khoản của người khác thì phải đúng quy định của pháp luật, tức là các cơ quan như: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thuế, Ngân hàng Nhà nước... phải có văn bản yêu cầu thì chúng tôi mới có cơ sở thực hiện. Chị Phúc, cũng như khách hàng kia đều là khách hàng của Vietcombank, nếu như chúng tôi phong tỏa tài khoản bên kia trong khi khách hàng này đang làm ăn việc gì đó mà không rút được tiền thì sẽ kiện ngược lại ngân hàng”.

Ông Thủy cho biết thêm, Ngân hàng đã hỗ trợ chị Phúc bằng việc phong tỏa một phần tài khoản là giữ lại số tiền 45 triệu đồng qua một đêm, đồng thời báo cáo về vụ việc này cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam vì việc xử lý giao dịch này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Gia Lai. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng đã liên lạc với khách hàng Phạm Thị Thu Trang để yêu cầu trả lại số tiền nhận nhầm, nhưng vì chị này không có số điện thoại mà chỉ có địa chỉ nơi cư trú nên phía ngân hàng cũng đã có văn bản gửi cho khách hàng để yêu cầu chuyển trả lại tiền, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin trả lời.

“Trong phạm vi xử lý của Vietcombank, khi không có thông tin phản hồi của người hưởng để trả lại tiền thì trong thời hạn 30 ngày chúng tôi phải có văn bản trả lời cho người chuyển nhầm (chị Phúc-P.V) nhưng đến nay chưa được 30 ngày nên chúng tôi chưa trả lời”- ông Thủy nói.

Trao đổi với P.V, Luật sư Hoàng Gia Đoán-Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Gia Luật (TP. Pleiku) cũng cho rằng việc ngân hàng không khóa tài khoản của người mà chị Phúc chuyển nhầm tiền là có cơ sở, điều này được quy định tại Điều 12 Nghị định 101/2012 của Chính phủ “Về thanh toán không dùng tiền mặt” trong việc tạm khóa và phong tỏa tài khoản thanh toán.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm