(GLO)- Thung lũng Ayun, Gia Lai thời điểm này đang xanh ngát màu lúa non. Ít ai biết rằng, trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, người dân nơi đây đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ đứng lên đánh đuổi kẻ thù.
Hàng năm, mỗi khi chuẩn bị đến Tết Độc lập, ông Đinh Chưp (SN 1947, trú tại làng Vơng Chép, xã Ayun, huyện Chư Sê) lại cảm thấy bồi hồi. Với ông, được sống trong những ngày tự do, hòa bình là món quà không thể lớn hơn. Đã hơn 70 mùa rẫy đi qua mà ông vẫn không thể nào quên những tháng ngày kháng chiến khốc liệt để thung lũng Ayun hôm nay không còn tiếng súng, chỉ còn tiếng lũ chim rừng hót vang và tiếng đám trẻ làng rộn rã cười vui.
Ông Đinh Chưp được sinh ra ở làng Côi (xã Đak Trôi) ở bên kia thung lũng Ayun. Do ngôi làng bị giặc Pháp đánh phá nên từ nhỏ ông đã lưu lạc đến làng Vơng Chép (xã Ayun). Đến tuổi trăng tròn, ông theo chân những người chiến sĩ cách mạng đi làm giao liên. Sau đó, thấy chàng trai Bahnar nhanh nhẹn, rắn rỏi, kiên trung nên cấp trên đã tin tưởng giao làm Xã đội trưởng với nhiệm vụ tập hợp thanh niên trong làng thành đội du kích để sẵn sàng đánh địch.
Ông Đinh Chưp (phải) tự hào kể lại câu chuyện thời kháng chiến. Ảnh: V.N |
Chầm chậm rít tẩu thuốc, ông Chưp nhớ lại cái thời làng Vơng Chép bị giặc Mỹ phá hoại. Khi ấy, lũ giặc đóng đồn ở bên kia ngọn núi Bar Măih thường xuyên kéo đến cướp bóc, bắt bớ dân làng. Thế rồi, được sự hỗ trợ của Bộ đội Cụ Hồ, người dân Ayun huy động lực lượng du kích từ hàng chục rồi đến hàng trăm người. Vũ khí ban đầu chỉ vẻn vẹn 5 khẩu súng. Lực lượng du kích được chia làm nhiều tổ chặn đánh địch ngay từ chân núi, không để chúng vào làng. Người người, nhà nhà làm hố chông, đào hào, đào hầm rồi rào làng chiến đấu. Có thời điểm không có gạo ăn, người làng phải chia nhau từng củ mì để lót dạ, đốt quả chuối rừng lấy tro làm muối. Dù bị những cơn đói dày vò nhưng khí thế đánh giặc của dân làng luôn hừng hực với quyết tâm giữ từng tấc đất quê hương.
Khí thế ấy biến Ayun trở thành một “pháo đài” giữa rừng xanh. Địch triển khai nhiều đợt tấn công vào làng nhưng đều bị đánh bật bởi lối đánh du kích thông minh. Để tiêu diệt “cái gai trong mắt”, giặc Mỹ quyết định dội bom. Ông Chưp nhớ lại: “Năm 1968, giặc kéo cả trăm quân đến tấn công với vũ khí hiện đại khiến dân làng thiệt hại nặng nề. Nhiều người hy sinh trong trận đánh ấy nhưng những người ở lại cũng đã kiên cường đẩy lùi được quân địch”. Cũng từ những tháng ngày cùng tham gia du kích, tình yêu giữa ông Chưp và cô gái Jrai làng Vơng Chép là Kpă Brech ngày một chín muồi để rồi 2 người nên nghĩa vợ chồng.
Không chỉ giữ làng, du kích Ayun còn tham gia nhiều trận đánh lớn tạo nên những chiến thắng vang dội. Ông Đinh Klinh (SN 1951, trú tại làng Tung Ke, xã Ayun) vẫn còn nhớ mãi những ngày tháng 8-1970. Ngày ấy, ông Klinh đã chỉ huy 13 du kích xã Ayun phối hợp cùng du kích xã Gđôk (nay là xã Al Bá) dùng mìn, bẫy đá ở đèo Chư Sê để chặn đoàn xe chở quân địch từ Phú Thiện lên. Trận đánh này đã phá hủy 2 xe quân sự, tiêu diệt 4 tên địch, làm bị thương 6 tên và thu nhiều chiến lợi phẩm. Sau Hiệp định Paris 1973, quân địch tiếp tục có những hành động đánh phá khu vực thung lũng Ayun. Ngày 16-8-1974, một trung đội du kích xã Ayun đã phối hợp với lực lượng của các xã lân cận đánh lui 1 trung đội địch, diệt được 5 tên đồng thời dùng bẫy đá, bẫy cây đè bẹp 1 chiếc xe Zeep, thu 1 máy bộ đàm cùng nhiều trang bị, phương tiện kỹ thuật khác.
...Ayun giờ đây vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, nhìn những công trình điện, đường, trường, trạm hiện diện tại các ngôi làng, ông Chưp, ông Klinh lại cảm thấy tự hào về một thời thanh xuân gian khổ nhưng thấm đẫm lý tưởng cách mạng. Dưới mái nhà sàn, những người du kích năm xưa vẫn nở nụ cười mãn nguyện khi kể cho con cháu nghe chuyện ông cha đánh giặc. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Chưp vẫn hào sảng mà rằng: “Bây giờ, giặc có đến làng, mình vẫn đánh nó được, sợ gì!”.
LÊ VĂN NGỌC