(GLO)- Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị kẻ thù xâm lược, nhiều người con Jrai đã một lòng đi theo cách mạng, quyết tâm giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nhớ lại quãng đời tuổi trẻ hào hùng ấy, ai cũng thấy tự hào.
1. Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại nhà bà Rơ Lan Djam (làng Bò, thị trấn Chư Prông). Bên tách trà ấm nóng, người phụ nữ ngoài 80 tuổi xúc động lật giở từng trang ký ức về những năm tháng bà tham gia phục vụ kháng chiến.
Bà kể, năm 1961, kẻ thù tổ chức nhiều cuộc càn quét vào làng để dồn dân lập ấp chiến lược. Chứng kiến cảnh quân địch giết hại dân thường một cách dã man, bà quyết định tham gia lực lượng du kích xã. Hàng ngày, bà cùng đồng đội đào hầm, cắm chông, vận động thanh niên tham gia lực lượng du kích xã, thu thập thông tin địch để báo cho cách mạng. Thấy bà mưu trí, dũng cảm, năm 1964, Huyện đội khu 5 (nay là huyện Chư Prông) rút về làm Trợ lý dân quân. Ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia kháng chiến, bà ngày đêm cùng với lực lượng vũ trang huyện bám dân để mở đường, tiếp tế lương thực, vận chuyển thương binh, phá hủy đường giao thông... góp phần cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng Plei Me vang dội vào năm 1965.
Bà Rơ Lan Djam (làng Bò, thị trấn Chư Prông) vui thú điền viên khi về già. Ảnh: Hồng Thương |
Năm 1967, với vai trò Huyện đội trưởng khu 5, bà chỉ huy Đại đội 2 phối hợp với du kích phá các ấp chiến lược. Bà kể, thời điểm này, Mỹ thực hiện chiến dịch dồn dân lập ấp để chiếm đất, kiểm soát địa bàn và phá hoại hậu phương của ta nhằm cô lập, tiến tới tiêu diệt lực lượng cách mạng. Việc phá ấp chiến lược khi đó trở nên bức thiết, được bà lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng. “Khi ấy, địch dựng hàng rào kẽm gai rất kiên cố bao quanh các ấp chiến lược. Bên trong, chúng lợi dụng, mua chuộc người dân làm nội gián để lấy các thông tin hoạt động cách mạng. Vì vậy, chúng tôi phải tìm cách kết nối với người dân nắm tình hình địch và chờ thời cơ để phối hợp hành động. Trong các trận phá ấp chiến lược, bộ đội và người dân bị thương rất nhiều. Trong một lần phá ấp chiến lược, tôi bị thương vì giẫm phải chông địch cắm ngoài hàng rào”-bà Djam nhớ lại. Dù vậy, từ năm 1967 đến 1970, dưới sự chỉ huy của bà, Đại đội 2 đã phá rã 6 ấp chiến lược. Năm 1971, bà Djam chuyển sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và tiếp tục vận động hội viên tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội; động viên con em tham gia kháng chiến.
2.“Dù chỉ tham gia phục vụ kháng chiến trong 8 năm nhưng đó là niềm vinh dự, tự hào vì đã cống hiến tuổi xuân của mình cùng quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù”-bà Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) mở đầu câu chuyện. Cũng như bao thanh niên khác trong làng, năm 1961, chứng kiến cảnh địch đổ quân càn quét, giết hại dân thường, bà Monh xin vào du kích làm nhiệm vụ gùi lương thực, tải đạn. Gia đình bà trồng hơn 1 ha lúa để có lương thực hỗ trợ cách mạng. Là chị cả trong gia đình, mỗi lần thu hoạch, bà lại gùi gạo lên cho bộ đội đang ẩn náu trên núi Ia Tur, xã Ia Mơ Nông. “Mỗi lần gùi lương thực, chúng tôi đều nắm tình hình địch để tìm đường đi an toàn. Chúng tôi chỉ đi 2-3 người và chủ yếu vào buổi tối để địch không thể phát hiện. Năm 1969, trong một lần gùi gạo lên núi, tôi bị địch phát hiện. Chúng bắn nhiều phát súng nhưng may mắn tôi không bị trúng đạn”-bà Monh nhớ lại.
Năm 1970, bà Monh nhận nhiệm vụ mới là tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực cho bộ đội. Năm 1972, bà chuyển về công tác tại Bệnh viện 84 (tiền thân của Bệnh viện Quân y 211). Từ đó cho đến ngày giải phóng, bà làm hộ lý với nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc bộ đội, du kích bị thương. “Khoảng thời gian làm việc tại Bệnh viện 84, tôi bị ám ảnh vì người bị thương quá nhiều. Có ngày, một mình tôi phải chăm sóc cho hơn 70 thương binh. Nhiều đêm thức trắng để tiếp nhận, chăm sóc thương binh, nghe tiếng kêu đau, chứng kiến anh em trút hơi thở cuối cùng vì vết thương quá nặng, lòng tôi quặn lại. Từ đó, tôi càng quyết tâm phải cống hiến hết sức mình vì nhiệm vụ dù có khó khăn”-bà Monh nói.
3. Trong căn nhà cấp 4 tại làng Bi Ia Yom (xã Ia Krai, huyện Ia Grai), ông Rơ Lan Hlinh không khỏi xúc động khi nhớ những năm tham gia phục vụ kháng chiến. Ông kể, cả bố và anh trai ông đều đi theo cách mạng. Năm 1972, chứng kiến cảnh anh trai bị địch bắn chết, bố bị bắn trọng thương và dân làng bị giết hại, chàng trai Hlinh khi ấy mới 14 tuổi đã xin vào du kích. Hàng ngày, ông cùng với 10 thanh niên leo núi gần cả chục cây số để gùi lương thực, tải đạn tiếp tế cho bộ đội. “Nhiều lần gùi gạo lên cho bộ đội, tôi bị địch nghi ngờ và nã súng nhưng may mắn không trúng đạn. Để đảm bảo an toàn, tôi phải ở lại trên núi với bộ đội. Tôi đã 2 lần bị sốt rét rừng hành hạ tưởng chừng không qua khỏi”-ông Hlinh hồi nhớ.
Ông Rơ Lan Hlinh (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) chia sẻ về quãng thời gian ông tham gia phục vụ kháng chiến. Ảnh: Hồng Thương |
Tháng 9-1973, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở đợt tiến công địch ở cứ điểm Chư Nghé. Vốn thông thạo đường đi lối lại, ông Hlinh cùng với du kích và bộ đội địa phương thu thập thông tin địch và dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến đánh cứ điểm này. Sau trận đánh, ông tiếp tục tham gia vận chuyển thuốc men, lương thực và súng đạn cho bộ đội. Ông Hlinh tâm sự: “Bom đạn địch lúc nào cũng dội trên đầu nhưng tôi chẳng sợ hãi gì cả. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ làm sao để góp một phần công sức giúp bộ đội đánh tan quân thù”.
Ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã Ia Krai-nhận xét: “Trở về với cuộc sống đời thường, ông Hlinh tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Ông giữ nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã và hiện là Bí thư Chi bộ làng Bi Ia Yom. Nhờ có uy tín nên ở vị trí nào ông cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
NHẬT HÀO