Xã hội

Chuyện ở ngôi làng đông con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù được tuyên truyền, vận động thường xuyên nhưng nhiều cặp vợ chồng ở làng Tuêk (xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn mang nặng tư tưởng “đông con mới vui”, “đông con thì đông của”. Điều này khiến nhiều hộ không thoát khỏi đói nghèo.

Người phụ nữ 17 lần mang thai

Theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà chị Hléo khi chiều dần tắt nắng. Bên hiên nhà, chị Hléo thong thả hít từng hơi thuốc lá đang cháy dở. Trước sân, vài đứa trẻ chừng 5 đến 10 tuổi đang chạy nhảy, nô đùa. Hỏi chuyện con cái, chị Hléo thật thà kể: “Mình mang thai tổng cộng 17 lần, sảy thai 7 lần. Có năm mình sảy tới 2 lần. Nguyên nhân do mang thai nhưng vẫn đi làm rẫy xa, phải đi bộ, leo dốc. Vài tháng sau có thai lại, sức còn yếu nên mình không giữ được”.

 Chị Hléo và 3 đứa con nhỏ. Ảnh: Phương Dung
Chị Hléo và 3 đứa con nhỏ. Ảnh: Phương Dung


Giải thích về việc không sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, chị Hléo nói rằng, bản thân đã thử qua vài lần nhưng không phù hợp. Song có lẽ nguyên nhân chính khiến vợ chồng chị không thật sự muốn dừng việc sinh con là bởi cách nghĩ phải “đông con mới vui”. “Khi mình sinh đứa thứ 10, bụng đau dữ dội, phải nằm bệnh viện theo dõi dài ngày. Lúc đó, bác sĩ có khuyên nên dùng biện pháp can thiệp để sau này không sinh con nữa nhưng chồng không chịu. Nó bảo để tự nhiên, có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu”-chị Hléo kể. Mặc dù biết việc mang thai, sinh con rất mệt nhưng cũng như bao phụ nữ trong làng, chị Hléo coi đó là chuyện hiển nhiên. Vì vậy, khi chồng không đồng ý việc dùng các biện pháp can thiệp, chị cũng im lặng.

Mang thai rồi sinh đẻ liên tục nên chị Hléo già hơn rất nhiều so với tuổi 44. Kinh tế trong nhà luôn thiếu trước hụt sau vì người ăn thì nhiều mà người làm lại ít. Chị cũng chẳng có thời gian để quan tâm chăm sóc đến từng đứa con. Đứa con thứ 9 đến tận khi đi học mẫu giáo mới phát hiện bị mù 1 mắt. Trước đó, chị vẫn nghĩ con chỉ bị… lé. Ngoài 3 cô con gái lớn đã lấy chồng, tất thảy những đứa còn lại đều đã nghỉ học. 3 trong số đó mới ở độ tuổi 11, 14 và 16 song đã rời làng vào TP. Hồ Chí Minh làm giúp việc vài năm nay. Những đứa còn lại, đứa thích đi học thì bị em đốt sách, đứa khác lại chỉ thích ở nhà rong chơi.

Quá nửa làng là hộ nghèo, cận nghèo

Lên chức bà ngoại, bà nội vẫn đẻ hay “em bú chị, cháu bú bà” là chuyện rất đỗi bình thường ở ngôi làng với 100% hộ dân tộc thiểu số này. Điển hình là chị Hléo trở thành bà của 4 đứa cháu ngoại nhưng mới đẻ đứa con thứ 10. Hay như gia đình anh Tham (SN 1986) hơn 6 tháng trước chào đón cùng lúc đứa con thứ 5 và đứa cháu ngoại thứ 2. Con gái lấy chồng ở chung nhà nên nhiều lúc mọi người không phân biệt được đâu là con, đâu là cháu. Mỗi lúc con gái vắng nhà, vợ anh Tham đảm nhận việc chăm sóc 2 đứa trẻ cùng lúc và ngược lại. Có lẽ, điều mà người dân nơi đây quan tâm không phải vấn đề chất lượng cuộc sống; con cái có được ăn uống, học tập đầy đủ; sức khỏe sinh sản của người mẹ có được quan tâm, chăm sóc thường xuyên… mà đơn giản chỉ là “đông con hơn đông của”. Bà Đak (SN 1969) có 7 người con. Bà cho biết: “Ít con quá sau này chúng đi làm xa, đi lấy chồng hết thì lúc già, lúc ốm đau không có ai ở bên, buồn lắm. Mình nói với con dâu, con gái đẻ 5-6 đứa nhưng cách nhau ra, chờ con lớn một chút rồi đẻ tiếp”.

 

Đứa con thứ 5 của vợ chồng anh Tham mới hơn 6 tháng tuổi. Ảnh: Phương Dung
Đứa con thứ 5 của vợ chồng anh Tham mới hơn 6 tháng tuổi. Ảnh: Phương Dung


Vì lẽ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân làng Tuêk thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dự-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đak Tơ Ve-trần tình: Mỗi làng chỉ có 1 cộng tác viên dân số nhưng riêng làng Tuêk có tới 2 người. Công tác tuyên truyền, vận động người dân về chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình được triển khai thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, do quan niệm đã ăn sâu vào suy nghĩ nên việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn cũng bị hạn chế.

Xoay quanh công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, ông A Phiu-Trưởng thôn Tuêk-thông tin: Số hộ có 8-10 người con không nhiều nhưng hộ có từ 3 con trở lên chiếm đa số. Trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt làng đều đề cập đến vấn đề này. Ban Nhân dân thôn rồi các hội, đoàn thể cũng xuống từng nhà trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhưng đôi lúc phải quay trở về vì một số người phản ứng gay gắt rằng con họ đẻ, họ nuôi chứ có nhờ ai nuôi đâu. Theo ông A Phiu, hậu quả dễ nhận thấy nhất của việc sinh đẻ không kế hoạch là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50% (48 hộ nghèo và trên 70 hộ cận nghèo trong tổng số 235 hộ dân). Nhiều đứa trẻ chỉ học hết lớp 2, lớp 3 rồi nghỉ. Tuy nhiên, Trưởng thôn A Phiu cũng kỳ vọng: Hiện tại, một số cặp vợ chồng trẻ đã cam kết chỉ dừng lại ở 2 con. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều gia đình trẻ như thế để đời sống người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.

 

 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm