Xã hội

Chuyện về hai người Mẹ Việt Nam Anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp ghé thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thuê và Lê Thị Kiệt (cùng sống tại TP. Pleiku). Tuy sức khỏe đã yếu, trí nhớ có phần giảm sút nhưng khi biết chúng tôi hỏi thăm về những năm tháng tham gia phục vụ cách mạng, các mẹ không khỏi xúc động xen lẫn tự hào.

Góp gạo nuôi bộ đội

Năm nay Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Kiệt (phường Đống Đa, TP. Pleiku) đã bước sang tuổi 104. Ở tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ của mẹ có phần giảm sút nhưng khi nghe hỏi về những năm tháng tham gia nuôi giấu bộ đội tại quê nhà (thôn Thái An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), bao hồi ức của mẹ lại trở về.

Mẹ Lê Thị Kiệt bên cạnh con trai Huỳnh Công Quyền. Ảnh: Nhật Hào
Mẹ Lê Thị Kiệt bên cạnh con trai Huỳnh Công Quyền. Ảnh: Nhật Hào

Mẹ Kiệt sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến cảnh người dân trong làng thường xuyên bị địch bắt bớ, giết hại, lòng mẹ càng căm thù. Năm 1965, sau 15 năm lập gia đình và sinh được 6 người con, mẹ động viên chồng lên đường tham gia cách mạng để góp phần đánh đuổi kẻ thù, còn mẹ ở nhà sản xuất chăn nuôi để lấy lương thực, thực phẩm đóng góp cho bộ đội.

Mẹ Kiệt kể, lúc bấy giờ, quân địch biết tại địa bàn xã và thôn có nhiều cán bộ cách mạng hoạt động. Do đó, chúng lập đồn ngay tại thôn để lùng sục từng gia đình tìm bắt những người hoạt động cách mạng. Để đảm bảo an toàn, tối đến mẹ mới giã gạo, rồi đem giấu sau vườn nhà để bộ đội tự chủ động thời gian đến lấy. Hôm nào quân địch kiểm soát địa bàn gắt gao, bộ đội không thể đến lấy gạo thì sáng hôm sau, mẹ bỏ gạo vào chiếc ấm nhôm nước rồi mang đi tiếp tế. “Mỗi lần bị địch bắt gặp, tôi luôn cố gắng bình tĩnh để tránh sự nghi ngờ của địch. Khi chúng hỏi đi đâu, tôi đều giải thích là đi làm cỏ lúa nên mới không bị chúng khám xét”-mẹ Kiệt nhớ lại.

Góp thêm vào câu chuyện, ông Huỳnh Công Quyền (con trai mẹ Kiệt)-chia sẻ: Tôi nghe mẹ kể lại, thời điểm ấy, quân địch đã biết mẹ bí mật tham gia các hoạt động phục vụ cách mạng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, lực lượng bộ đội và du kích ở xã hoạt động mạnh nên chúng cũng thận trọng trong việc bắt bớ với người dân trong làng. Đổi lại, tối đến, chúng dồn mẹ tôi và mọi người vào đồn để làm “con tin” nhằm tránh sự phục kích của bộ đội. Nhờ đó, mẹ mới đảm bảo được an toàn tính mạng. Cũng theo ông Quyền, số thóc mẹ thu được hàng năm không đủ để nuôi các con, nhưng vụ thu hoạch nào, mẹ cũng trích một phần đóng góp cho bộ đội.

Năm 2004, bà Võ Thị Bình đã đón mẹ Thêu lên Gia Lai để tiện cho việc chăm sóc. Ảnh: Nhật Hào
Năm 2004, bà Võ Thị Bình đã đón mẹ Thêu lên Gia Lai để tiện cho việc chăm sóc. Ảnh: Nhật Hào

Tại phường Hoa Lư (TP. Pleiku), chuyện Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thuê (SN 1926) nuôi giấu bộ đội trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cũng khiến nhiều người xúc động. Theo lời kể của bà Võ Thị Bình (con gái mẹ): Mẹ Thuê quê ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Mẹ lập gia đình năm 1946 và sinh được 4 người con. Năm 1958, chồng mẹ tham gia cách mạng rồi hy sinh. Trước nỗi đau ấy, mẹ quyết tâm tham gia hoạt động cách mạng bằng việc tiếp tế lương thực và nuôi giấu bộ đội ngay trong nhà mình.

“Khi ấy, tôi mới chỉ 14 tuổi. Cứ tối đến, căn nhà nhỏ của mẹ là nơi ẩn náu của hơn 20 người. Để đảm bảo lương thực cho bộ đội, mẹ vận động phụ nữ trong xã mỗi ngày nấu cơm góp lại một nắm gạo và các loại rau, củ để phục vụ cho các bữa ăn”-bà Bình nhớ lại.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Dù biết chiến tranh khốc liệt nhưng cả mẹ Thuê và mẹ Kiệt vẫn một lòng theo cách mạng. Bên cạnh góp gạo nuôi bộ đội, cả 2 mẹ đều động viên chồng và các con tham gia cách mạng để đánh đuổi kẻ thù, giải phóng dân tộc.

Đầu tháng 1-1967, chồng mẹ Kiệt không may bị địch phục kích rồi bắt đưa về nhà giam của Ty Cảnh sát Quận Phù Mỹ (nay là huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ngày 20-1-1967, sau nhiều lần tra tấn nhưng không khai thác được thông tin gì về hoạt động của cách mạng, quân địch đã quyết định giết chết chồng mẹ. “Khi nghe tin, tôi rụng rời chân tay. Phải mất 2 ngày tìm kiếm, tôi mới thấy thi thể của ông ấy cách nhà khoảng hơn 1 km”-mẹ Kiệt kể.

Đoàn phường Đống Đa thường xuyên phối hợp với đơn vị kết nghĩa thăm tặng quà Mẹ Lê Thị kiệt mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Nhật Hào
Đoàn phường Đống Đa thường xuyên phối hợp với đơn vị kết nghĩa thăm tặng quà Mẹ Lê Thị kiệt mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Nhật Hào

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì đầu năm 1968, mẹ Kiệt lại hay tin em trai ruột Lê Văn Mai cũng bị địch bắn chết khi tham gia hoạt động du kích tại địa phương. Căm thù lũ giặc cướp nước, cứ thế, mẹ ngày đêm âm thầm góp gạo nuôi bộ đội đánh giặc. Đến năm 1970, khi người người con thứ ba Huỳnh Xuân Đi vừa tròn 15 tuổi, mẹ đã động viên tham gia lực lượng du kích xã để góp phần đánh đuổi kẻ thù. Ngày 16-1-1971, con trai mẹ không may bị trúng đạn hy sinh trong trận càn quét của kẻ thù. “Khi tìm thấy thi thể của con chỉ cách nhà gần 100m tôi ngất đi, đến khi tỉnh dậy, con trai tôi đã được người dân hỗ trợ chôn cất tại khu vực gần nhà và mãi sau này mới đưa về nghĩa trang liệt sĩ của xã”-mẹ Kiệt nhớ lại.

Tương tự, mẹ Lê Thị Thuê cũng khóc cạn nước mắt sau 2 lần tiễn chồng và con trai ra đi dưới làn mưa bom, bão đạn của địch. Ngoài ra, mẹ cũng mất đi nhiều người anh, em ruột thịt của mình khi tham gia hoạt động cách mạng. Bà Bình kể thêm: Năm 1958, sau khi cha tôi mất, mẹ tiếp tục bí mật vận động phụ nữ trong xã góp gạo phục vụ bộ đội. Đầu năm 1975, mẹ tôi tiếp tục động viên em trai tôi là Võ Đức Phục tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng. Lần này, em tôi cũng hy sinh vì bị địch phục kích. Biến đau thương thành hành động, mẹ quyết tâm tiếp tục tham gia huy động phụ nữ trong xã đóng góp lương thực phục vụ cho bộ đội cho tới ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.

Mẹ Thuê cũng được Vietcombank Bắc Gia Lai nhận phụng dưỡng suốt đời. Ảnh: Nhật Hào

Mẹ Thuê cũng được Vietcombank Bắc Gia Lai nhận phụng dưỡng suốt đời. Ảnh: Nhật Hào

Với những đóng góp của mình, cả mẹ Thuê và mẹ Kiệt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà Võ Thị Bình-chia sẻ: Chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với mẹ. Những năm qua, bên cạnh được hưởng các chế độ, chính sách, mẹ Thuê cũng được các cấp ngành trong tỉnh quan tâm thăm hỏi, tặng quà trong các dịp lễ, Tết và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Đây là niềm an ủi lớn lao đối với mẹ và cũng là niềm vinh dự, động lực để gia đình tôi tiếp tục chăm sóc mẹ thật tốt, cố gắng gìn giữ truyền thống cách mạng, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước”. Còn ông Quyền bày tỏ: Những hoạt động chăm sóc, thăm hỏi mẹ những ngày lễ, Tết đã phần nào giúp mẹ vơi bớt nỗi đau mất mát do chiến tranh để lại. Đây cũng là nguồn động viên to lớn để mẹ tiếp tục sống vui vẻ bên con cháu”.

Có thể bạn quan tâm