Xã hội

Đời sống

Chuyện về một phát thanh viên tiếng Jrai ở Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, phần vì công việc, phần vì đam mê, dù đường sá đi lại khó khăn, tôi vẫn về huyện Ayun Pa (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) như “đi chợ”.
Ảnh minh họa: Internet

Do phố huyện không có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, hơn nữa, tiền công tác phí lại ít ỏi nên chúng tôi thường vào Phòng Văn hóa-Thông tin để liên hệ công tác và xin một chỗ nghỉ trước khi xuống làng. Lúc ấy, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện là một bộ phận của Phòng Văn hóa-Thông tin nên tôi có dịp làm quen với chị Ksor Mip-Phát thanh viên tiếng Jrai. Lúc chúng tôi gặp nhau, tôi vừa ra trường, còn chị tuổi đã 42.

Nhìn lại những thập niên đầu sau khi đất nước thống nhất, chúng ta không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn hạn chế cả về các giá trị tinh thần. Báo chí chính thống nói chung, phát thanh-truyền hình nói riêng trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, vì đó là kênh cung cấp thông tin chính.

Cùng với đài trung ương, đài tỉnh, các đài truyền thanh-truyền hình cấp huyện cũng xây dựng chương trình riêng của địa phương. Trong đó, chương trình phát thanh bằng tiếng mẹ đẻ ở các huyện có đông đồng bào Bahnar, Jrai luôn được quan tâm, chú trọng.

Năm 1984, khi vừa học xong lớp 7, cô gái Ksor Mip của buôn Phu Ama Nher (xã Ia Rtô) trúng tuyển vào làm phát thanh viên chương trình tiếng Jrai của Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Ayun Pa. So với mặt bằng chung của tỉnh ở thời điểm đó, con gái Bahnar, Jrai học hết lớp 7 đã là “quý hiếm”. Nhưng theo chị Mip thì tại “đất học” Cheo Reo của người Jrai, trình độ học vấn phổ thông ấy vẫn “thua bè, kém bạn”.

Nhiệm vụ của chị Mip tại cơ quan là đảm bảo 30 phút phát sóng mỗi ngày. Vì chưa từng được đào tạo, tập huấn qua một lớp nghiệp vụ nào nên với chị, việc phải tự mình biên tập chương trình, dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Jrai, rồi đọc bản tin tiếng Jrai trước máy là vô cùng khó khăn.

Thời gian đầu, sau khi chương trình được phát sóng, chị thường xuống các buôn làng hỏi mọi người xem bản tin được dịch và đọc như vậy đã ổn chưa, bà con nghe có hiểu không… Bên cạnh đó, chị cũng thường xuyên nghe các chương trình phát thanh tiếng Jrai của đài tỉnh để học hỏi thêm và đúc rút kinh nghiệm.

Câu chuyện giữa 2 người phụ nữ chúng tôi dần được thu hẹp khoảng cách. Khi nghe tôi hỏi: “Mò mẫm vất vả như vậy, chị có nản không?”, chị Mip bày tỏ: “Khổ vậy, khó vậy, nhưng mình vui lắm, vì được anh Nghị (trưởng phòng) và anh em cơ quan luôn quan tâm giúp đỡ cả trong công việc và đời sống. Chồng mình cũng động viên và giúp đỡ nhiều… Mình chỉ mong được đi học hay giao lưu với các đồng nghiệp ít tuần để biết những gì mình đã làm tốt và những gì còn chưa tốt. Chắc là còn nhiều cái mình làm chưa tốt đâu”.

Chị cũng không ngần ngại tâm sự: Nhiều bản tin tiếng Jrai từ đài tỉnh gửi xuống, có chỗ khác với tiếng Jrai ở Ayun Pa, chị phải dịch lại cho bà con dễ hiểu. Chị thường chỉ đọc tin tức trong huyện, trong tỉnh. Nhiều lúc rất muốn được đọc tin thế giới hay các nghị quyết của Đảng, nhưng tiếng Jrai thiếu nhiều từ quá, chị không dịch được. Chị muốn được ai đó hướng dẫn cho làm những việc này.

Đọc lại những chia sẻ của chị trong cuốn sổ tay đã ố vàng theo thời gian, tôi càng hiểu hơn tâm tư, tình cảm của một phát thanh viên tiếng Jrai tâm huyết với nghề. Có nhiều câu chị nói, tôi vẫn vô cùng tâm đắc như: “Mình thích chương trình tiếng địa phương phải đậm nét dân tộc. Ví dụ như chương trình tiếng của đồng bào ở Tây Nguyên thì chỉ dùng nhạc nền là tiếng của cồng chiêng, t’rưng… Nhiều khi mở đài, nghe giới thiệu chương trình tiếng Jrai trên nền nhạc của người Kinh hay nhạc hiện đại, mình thấy không đúng đâu”.

Nói về cô phát thanh viên tiếng Jrai của cơ quan, anh Lê Tiến Nghị-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Ayun Pa lúc bấy giờ-chia sẻ: Ksor Mip rất yêu nghề và làm việc rất có trách nhiệm. Đối với Ayun Pa-một huyện lúc này có hơn 53% dân số là người Jrai, thì chương trình truyền thanh tiếng địa phương là nguồn thông tin rất quan trọng với đồng bào vùng sâu, vùng xa không hiểu tiếng phổ thông. Hiệu quả của chương trình càng được nâng lên từ khi phủ sóng phát thanh-truyền hình của Chính phủ cấp cho huyện hơn 300 chiếc radio để đưa xuống tận buôn làng.

Nhiều thập niên trôi qua, tôi chưa có dịp gặp lại chị Mip. Nay nếu còn, chị đã thuộc lứa U80. Nhìn lại những ngày đầu thống nhất đất nước, có rất nhiều người dù trình độ học vấn chưa cao, chưa được đào tạo bài bản… nhưng bằng tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và ý thức tự học hỏi để vươn lên, các cô chú, anh chị đã làm tôi ngưỡng mộ, đồng nghiệp và người dân tin quý.

Có thể bạn quan tâm