Những ngày qua, ông Siu Kra (làng C, xã Gào) rất phấn khởi khi nhận được tin chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng xây dựng nhà ở theo chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Gia đình ông Kra thuộc diện hộ cận nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Kra cho hay: “Ngôi nhà này xây dựng cách đây mấy chục năm rồi, nay xuống cấp không thể ở được nữa, nhưng tôi chưa đủ khả năng làm nhà mới. Nay được địa phương hỗ trợ xây nhà, ước mơ bấy lâu của gia đình đã trở thành hiện thực”.
Cũng như ông Kra, gia đình anh Rơ Lan Suên (làng D, xã Gào) đang gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà của gia đình đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa là bị dột, nước ngập. Trong khi đó, điều kiện kinh tế không cho phép gia đình tự cất lại ngôi nhà mới. Anh Suên được hỗ trợ trong đợt triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Anh chia sẻ: “Được nhận hỗ trợ từ chương trình, tôi mừng lắm. Đây là cơ hội để gia đình có một căn nhà vững chãi, không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa nữa. Tôi cảm ơn chính quyền đã quan tâm và tạo điều kiện cho những hộ nghèo như gia đình tôi”.
Là địa phương được TP. Pleiku chọn làm điểm phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 17-2 tới, xã Gào đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng nhà với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Chủ tịch UBND xã Lê Đông Dương thông tin: Xã có 22 hộ sinh sống trong các ngôi nhà dột nát, xuống cấp. So với các địa phương khác, xã có số lượng đối tượng được hỗ trợ xây nhà nhiều nhất thành phố.
Theo ông Dương, ngoài số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ, xã còn vận động các nguồn lực hỗ trợ thêm mỗi hộ 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ 1.200 ngày công của lực lượng vũ trang, các hội, đoàn thể, người dân. Trong quá trình triển khai thi công, xã tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp chung sức cùng địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên xã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trước ngày 30-4-2025”-ông Dương khẳng định.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát diễn ra ngày 5-2 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng thống nhất chọn xã Gào làm điểm và tổ chức ra quân triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 17-2; đồng thời phát động các xã, phường hưởng ứng triển khai đồng loạt. Thành phố phấn đấu hoàn thành chương trình trước ngày 30-4-2025.
Nằm trong chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã Chư Á có 7 hộ được hỗ trợ xây dựng và 7 hộ được sửa chữa nhà ở. Ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Tất cả các hộ được hỗ trợ đợt này đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngôi nhà xây dựng đều đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng”: nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng.
Với quyết tâm cao, đến ngày 15-4-2025, xã sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
“Ngoài kinh phí 60 triệu đồng/căn do thành phố hỗ trợ theo chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, chính quyền địa phương cũng đã huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ các hộ sửa chữa, xây dựng nhà ở đạt chất lượng tốt nhất. Đối với các hộ xây dựng nhà, xã hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/căn và 50 công thợ, các hộ sửa chữa thì 1,5 triệu đồng/căn và 10 công thợ”-ông Minh nói.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku-thông tin: Theo Quyết định số 30/QĐ-UBND ngày 9-1-2025 của UBND TP. Pleiku “về phê duyệt danh sách nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố”, thành phố có 69 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở.
Trong đó có 41 hộ được hỗ trợ xây dựng (mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn) và 28 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn). Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trên 4,1 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 chuyển sang năm 2025.
Cũng theo bà Hoa, để đạt được mục tiêu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc và huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng.
“Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn thành phố, chúng tôi tăng cường theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Từ đó tham mưu, đề xuất thành phố xem xét, giải quyết kịp thời. Qua nắm bắt tình hình, hầu hết các gia đình thụ hưởng không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động tham gia các phần việc và đóng góp thêm kinh phí xây dựng nhà thêm kiên cố”-bà Hoa nhấn mạnh.